Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 10:20, 24/7/2020
1729 lượt đọc

Trả lời câu hỏi về sức khỏe của phụ huynh kỳ 88 - Chuyên đề Nhi khoa tổng quát

Chuyên mục sức khỏe kỳ này BSCK1 Nguyễn Đông Bảo Châu – Bác sĩ Nhi khoa tổng quát sẽ trả lời thắc mắc của quý phụ huynh liên quan đến các vấn đề bệnh lý trẻ em.

BSCK1 Nguyễn Đông Bảo Châu – Bác sĩ Nhi khoa tổng quát

Câu hỏi của phụ huynh T.T nhà ở Quận 4 TPHCM: Bác sĩ cho em hỏi bé nhà em được 7 tháng mà sao dạo gần đây bé ngủ rất ít và hay quấy khóc ngủ ko sâu giấc ban đêm bé thức 3-4 lần. Bé vẫn ăn và bú bình thường chỉ có ngủ là bé ko ngủ đc xin bác sĩ cho em xin ý kiến ạ.

Trả lời: Xin chào! Trẻ ngủ ít vào ban đêm và hay thức giấc có thể do nhiều nhóm nguyên nhân như là trẻ ngủ ban ngày nhiều quá; ăn quá no hay không đủ no; môi trường xung quanh cũng có thể ảnh hưởng như nhiệt độ phòng, ánh sáng phòng, tiếng ồn, điều kiện vệ sinh không sạch sẽ như tã ướt, giường chiếu, quần áo không sạch làm cho trẻ có cảm giác khó chịu, ngứa ngáy…; do thiếu vi chất; hoặc do nguyên nhân bệnh lý như các nhiễm trùng đường hô hấp, viêm tai giữa, trào ngược dạ dày thực quản,… Em nên đưa cháu đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 để khám tổng quát nhằm mục đích xác định hay loại trừ các nguyên nhân bệnh lý và thiếu vi chất, cũng như được hướng dẫn về cách chăm sóc giấc ngủ cho trẻ nhé.

--

Câu hỏi của phụ huynh T.H.T nhà ở Bình Dương: Chào các bác sĩ, Em có bé nay được 2 tháng tuổi, nhờ các Bác tư vấn giúp em lịch trình đi khám sức khoẻ tổng quá dành cho bé từ sơ sinh đến trưởng thành. Và trẻ sơ sinh có nên cho uống nước hay không, vì bà ngoại ở nhà thường dặn em cho bé uống nước để tráng miệng tránh chua miệng bé sau khi bú xong trẻ hay ngậm sữa trong miệng. Em xin cảm ơn các Bác.

Trả lời: Xin chào! Việc khám sức khỏe định kỳ và đánh giá tăng trưởng cho trẻ tùy thuộc vào lứa tuổi, theo CDC Hoa Kỳ cháu bé nên được kiểm tra và đánh giá ở các giai đoạn: 2, 4, 6, 9, 12, 18, 24 tháng tuổi, sau đó mỗi năm trẻ nên được tái khám 1 lần. Việc cho trẻ dưới 6 tháng uống nước là được, tuy nhiên chỉ nên sử dụng nước lượng ít (một vài muỗng café) như để tráng miệng cho cháu, nếu cho cháu sử dụng lượng nước nhiều sẽ làm cháu có cảm giác no và bú sữa không đủ, điều này dẫn đến cháu thiếu hụt năng lượng để tăng trưởng.

--

Câu hỏi của phụ huynh N.X.N nhà ở Vũng Tàu: Bé được 6 tháng 10 ngày, bé biết lật và đá chân, bé được 9,8 kg, hiện bé cổ chưa cứng lắm, ngồi phải có sự giúp đỡ chứ chưa tự ngồi được. Bé hay ngước nhìn lên và ít nhìn xuống dưới, như vậy là bé bị làm sao thưa bác sĩ?

Trả lời: Xin chào! 6 tháng tuổi là giai đoạn cháu bắt đầu tập ngồi không cần sự giúp đỡ, chứ chưa phải cháu có thể tự ngồi một mình được. Việc cơ cổ còn yếu và liếc mắt lên trên nhiều thì gia đình cần đưa cháu đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 để khám và đánh giá chính xác sự phát triển vận động của cháu hoặc có liên quan đến vấn đề bệnh lý gì hay không nhé!

--

Câu hỏi của phụ huynh P.T.H nhà ở Đồng Nai: Chào Bác sĩ, hiện tại con em được 22 tháng rồi nhưng vẫn chưa biết nói, có tập nhưng bé vẫn không chịu nói theo, hỏi chỉ các bộ phận trên cơ thể thì bé vẫn biết chỉ. bảo làm gì cũng làm. Cho em hỏi như vậy có vấn đề gì không ạ. Em cảm ơn!

Trả lời: Xin chào! Cháu 22 tháng là đã gần mốc phát triển 24 tháng tuổi, tại mốc 24 tháng xét riêng về vấn đề nói, cháu bé thông thường sẽ nói được một câu khoảng 2-4 chữ. Nếu cháu vẫn chưa thực hiện được điều này, gia đình nên cho cháu đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám tầm soát những vấn đề liên quan đến chậm nói tại khoa Tâm lý hỗ trợ Âm ngữ trị liệu cho cháu tại khoa Vật lý trị liệu nhé.

--

Câu hỏi của phụ huynh H.T.M.C nhà ở Đồng Nai: chào Bác sĩ. bé nhà tôi nay 6 tuổi, bé còi cọc, suy dinh dưỡng, ăn uống rất ít, mấy năm nay tôi cho bé đi trung tâm dinh dưỡng, có thuốc thì bé ăn đỡ đỡ, không thuốc thì lại không chịu ăn và khoảng 1 năm nay mỗi khi nói chuyện bé cà lăm, hoặc là rặn ra tưng tiếng để nói thật là khó khăn, giống như có gì chặn ở cổ, nuốt thức ăn cũng cảm giác khó nữa. Trước khi có bầu bé tôi đang điều trị bướu cổ basedow, uống thuốc của bác sĩ cho đến lúc sanh bé ra, bản thân tôi bây giờ vẫn còn đang uống thuốc. Không biết bé nhà tôi có bị ảnh hưởng bướu cổ của tôi không? Không biết bệnh viện mình có khám bướu cổ cho bé không ạ? Nếu không bác sĩ có thể tư vấn giúp tôi bệnh viện nào khám bướu cho bé ạ. Tôi xin chân thành cảm ơn.

Trả lời: Xin chào! Đầu tiên, cường giáp Basedow là bệnh có tính gia đình, có thể di truyền từ mẹ sang con, hoặc trẻ có thể bị suy giáp bẩm sinh do bị ảnh hưởng bởi việc điều trị của mẹ lúc mang thai. Tuy nhiên, trong quá trình mang thai nếu mẹ được theo dõi và kiểm soát điều trị tuyến giáp đầy đủ và đúng theo hướng dẫn của Bác sĩ chuyên khoa thì cháu bé có thể hoàn toàn khỏe mạnh. Các vấn đề của cháu như suy dinh dưỡng, khó nói chuyện, hoặc nghi ngờ cường giáp Basedow cần phải được đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 để khám các chuyên khoa Nội tiết, Dinh dưỡng, Âm ngữ trị liệu để có chẩn đoán xác định và hướng xử trí phù hợp với tình trạng của cháu nhé.

--

Câu hỏi của phụ huynh L.T.T.T nhà ở TPHCM: Xin chào Bác Sĩ Bệnh viện Nhi đồng. Hiện tại mình có thắc mắc về bé nhà mình mong được giải đáp ạ. Bé mình hiện tại 2.5 tháng tuổi. Bé phát triển bình thường. Nhưng từ lúc tháng tuổi phía sau đầu bé nổi lên 2 gờ hình tam giác. Theo mình tìm hiểu là đường khớp lamda. 2 đường gờ giao nhau tại thóp sau. Mình có cho bé nằm gối lõm và bé hay nằm ngửa. Hiện đầu bé bị dẹp phía sau. Có phải do gối gây ra không ạ. Và đó có phải là hiện tượng dính khớp sọ. Em phải làm sao ạ. Bé còn nhỏ chụp hình có ảnh hưởng bé không ạ. Em rất mong được Bác Sĩ tư vấn giúp ạ. Em cảm ơn.

Trả lời: Xin chào! Dính khớp sọ sớm ở trẻ em không thể chẩn đoán xác định thông qua mô tả như trên mà cần khám trực tiếp cho cháu. Gia đình cần đưa cháu đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám Chỉnh hình để chẩn đoán xác định. Chụp X-quang, CT-scan hay MRI để kiểm tra chỉ được thực hiện khi thực sự cần thiết, việc chụp này ít gây ảnh hưởng đến cháu bé, tuy nhiên nếu cần thiết thì vẫn phải thực hiện để có chẩn đoán xác định và xử trí nhằm tránh những ảnh hưởng do dính khớp sọ (nếu có) gây ra cho trẻ. Trân trọng./.

--

Câu hỏi của phụ huynh N.T.H.P nhà ở Đắk Lắk: Bé nhà cháu nay được 3 tháng 10 ngày, lúc sinh bé tròn 36 tuần, được 2,9kg. Hiện tại được 5,5kg. Bé chưa biết lật, chuyển động mắt của bé ko nhanh nhẹn, bé có hóng chuyện nhưng ít, khi gọi bé, bé không phản ứng, thổi vào bụng bé, bé cũng ko cười và không có phản ứng gì, bé nhà cháu có sao ko bác sĩ, cháu lo quá.

Trả lời: Xin chào! Những vấn đề kể trên là dấu hiệu cần phải sớm đưa cháu bé đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 hoặc Bệnh viện Nhi tuyến tỉnh trở lên để khám và tầm soát nhiều chuyên khoa. Với tình trạng cháu bé các chuyên khoa cần khám tầm soát gồm Thần kinh, Tai Mũi Họng để kiểm tra thính lực, Mắt, và những chuyên khoa khác khi có chỉ định của Bác sĩ. Trân trọng./.

---

Quý phụ huynh có thể xem những giải đáp thắc mắc về sức khỏe của con em mình hàng tuần qua chuyên mục “Trả lời câu hỏi thường gặp” trên trang web Bệnh viện Nhi Đồng 1 http://www.nhidong.org.vn

BSCK1 Nguyễn Đông Bảo Châu
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"