Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 12:21, 23/9/2020
1616 lượt đọc

Trả lời câu hỏi về sức khỏe của phụ huynh kỳ 91 - Chuyên đề Bệnh lý Tai mũi họng Nhi

Những bệnh lý liên quan đến tai mũi họng luôn là mối bận tâm của nhiều phụ huynh, nếu không chữa trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bé sau này. Để hiểu biết hơn về những bệnh này BSCK2 Phạm Đoàn Tấn Tài – Khoa Tai Mũi Họng sẽ trả lời một số thắc mắc của phụ huynh về bệnh lý Tai mũi họng Nhi.

BSCK2 Phạm Đoàn Tấn Tài - Chuyên khoa Tai mũi họng

 

Câu hỏi của phụ huynh T.M.P nhà ở Tây Ninh: Xin cho em hỏi? Con em nay được 1.5 tuổi. Bên trong tai bé có rái tai vón cục và khô cứng nằm xác bên trong màn nhỉ bé, khó lấy ra. Đụng bé cảm giác đau. Nhìn kỹ em thấy rái to và bịch kín ống tai bé. Xin bác sĩ tư vấn dùm em. Em rất lo sợ ảnh hưởng thính giác bé.

Trả lời: Chào phụ huynh, Ráy tai là hiện tượng sinh lý bình thường. Thông thường, ráy tai sẽ được các tế bào lông của ống tai ngoài đẩy ra khỏi tai, không cần can thiệp. Thỉnh thoảng, chúng ta có thể về sinh bằng tâm bông vô trùng hoặc nếu quá nhiều thì cần đến bác sĩ Tai Mũi Họng để vệ sinh.

Tuy nhiên, ở trẻ nhỏ thường do người lớn không dám vệ sinh hoặc vệ sinh không đúng cách, ráy tai được đưa sát, dính vào màng nhĩ làm bé đau tai, thậm chí viêm tai ngoài. Nếu chắc chắn bé chỉ bị ráy tai, phụ huynh có thể xịt tai cho bé bằng dung dịch vệ sinh tai (ví dụ như dung dịch Ray – C) để làm mềm ráy tai, tự các lông ống tai ngoài sẽ đưa ráy tai đã mềm ra ngoài. Nếu ráy tai không tự chảy ra được, phụ huynh đưa bé đến bác sĩ Tai Mũi Họng khám để giúp vệ sinh tai.

Câu hỏi của phụ huynh N.K.T nhà ở Long An: Chào bác sĩ. Con trai nhà em 2 bữa nay tự nhiên lưỡi nối hột tròn khoảng 5-6 mụt. Không biết bệnh này có nguy hiểm không? Nuốt hơi đau cổ họng, có đi khám bác sĩ gần nhà bảo bị nấm. Không biết bệnh này nguyên nhân từ đâu?

Trả lời: Chào phụ huynh, Trong câu hỏi, phụ huynh không ghi rõ bé bao nhiêu tháng tuổi, và tình trạng cụ thể ra sao? Nếu lưỡi bé có nổi sang thương lạ và bỏ bú thì người nhà nên mang bé đến bệnh viện để bác sĩ chuyên khoa thăm khám và chỉ định can thiệp phù hợp nhé. Cần loại trừ bệnh tay chân miệng vì đang vào mùa dịch!

Câu hỏi của phụ huynh V.T.T.M nhà ở Hóc Môn, TPHCM: Chào Bác sỹ. Con em hiện nay được 02 tuổi, vào khoảng tháng 9/2019 em có đưa con đi khám tại khoa Tai mũi họng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Bác sĩ chẩn đoán con em bị lỗ dò khe mang 2 và chỉ định phẩu thuật. Vì lúc đó con em chưa được 10kg nên bác sĩ bảo về đợi tháng sau khi nào được 10kg thì liên hệ làm thủ tục phẩu thuật. Bác sỹ cho em hỏi.

1. Bệnh dò khe mang để lâu có ảnh hưởng gì không?

2. Khi phẩu thuật có ảnh hưởng đến khả năng nói của bé không? Tại vì con em đã 2 tuổi rồi mà vẫn chưa biết nói

3. Em đọc trên báo phụ nữ thấy để là đối với trẻ sơ sinh đến 2 tuổi thì chưa can thiệp vội. khi nào đến 3 tuổi thì mới phẩu thuật. Vậy thông tin đó có chính xác không? Rất mong được sự hồi đáp của quý Bác sỹ

Trả lời: Dò khe mang số 2 là một đường dò bẩm sinh, từ cổ bên đến hố amidan, có từ lúc sinh ra. Có các thể thường gặp là Dò khe mang, nang khe mang, xoang khe mang. Thường 1 bên hoặc có khi 2 bên, biểu hiện chảy dịch trong tại vị trí lỗ dò. Đôi khi, đường dò bị nhiễm trùng, chảy dịch mủ hôi, sưng, đau, sốt. Dò khe mang là một bệnh lý lành tính, tuy nhiên không thể tự khỏi.

Câu hỏi của phụ huynh có nhiều vấn đề:

1. Về tiêu chuẩn phẫu thuật: Dò khe mang là bệnh lý bẩm sinh, không cấp cứu, phẫu thuật mổ lớn, hậu phẫu kéo dài, nên có thể mổ chương trình khi bé được 10 kg. Tuy nhiên, một số trường hợp nang khe mang chèn ép đường thở lúc sơ sinh vẫn được phẫu thuật cấp cứu, không cần chờ đến 10 kg.

2. Trong giai đoạn chưa phẫu thuật, có thể bé sẽ bị vài đợt chảy dịch trong hoặc nhiễm trùng đường dò. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc điều trị nội khoa.

3. Điều quan trọng, dò khe mang số 2, không ảnh hưởng đến khả năng nghe nói. Nếu con bạn 2 tuổi vẫn chưa nói được từ nào thì nên cho cháu khám ở Đơn vị Tai – Thính học, bệnh viện Nhi Đồng 1 (phòng A2) để được khám, sàng lọc nghe kém, chậm nói, tự kỷ… Ngoài ra, Y văn cũng đã ghi nhận, Hội chứng Mang – Tai – Thận, trong đó, bé có đường dò bẩm sinh từ cổ đến tai, có bất thường ở thận và nghe kém.

Chính vì thế, cháu cần được khám tầm soát sức nghe và can thiệp chậm nói ngay càng sớm càng tốt nhé!

Câu hỏi của phụ huynh P.K.N: Bác sĩ cho em hỏi, con em phẫu thuật đặt Diapolo nay 8 tháng. Hôm trước tết tái khám bác sĩ bảo qua tết lên xem để rút ống ra, nhưng qua tết đang đợt dịch Covid nên chưa đi được. Em hỏi bác sĩ thời hạn để rút ống như thế nào ạ. Qua dịch bệnh em đưa bé lên được không ạ?

Trả lời: Chào phụ huynh, Bé được đặt Diabolo, tức ống thông nhĩ, để chữa viêm tai giữa thanh dịch mạn thì khi nào hết bệnh mà ống chưa tự rơi ra thì sẽ xem xét lấy ra. Thông thường, sau mổ đặt ống thông nhĩ 6 đến 18 tháng thì ống sẽ tự rơi ra.

Trong trường hợp của bé, nếu bác sĩ đã hẹn qua tết lấy ống thông nhĩ ra, nghĩa là bệnh đã hết nên sớm lấy ống ra. Tuy nhiên, việc này không khẩn cấp nên có thể sắp xếp thời gian phù hợp để thực hiện.

Nên lưu ý, khi bé còn ống thông nhĩ thì không nên cho bé bơi lội, cẩn thận không để nước rơi vào tai để bị viêm tai giữa.

Câu hỏi của phụ huynh H.K.V nhà ở Bình Phước: Thưa bác sĩ bé nhà em năm nay được 16 tháng tuổi. Hồi bé được 7 tháng được chuẩn đoán dò trước cổ bội nhiễm. Do dịch bệnh nên em chưa cho bé đi khám được. Giờ em cần bác sĩ tư vấn giùm em nếu bé em kiểm tra lại bác sĩ cho mổ (vì lúc 7 tháng bác sĩ nói 1 tuổi cho bé mổ) thì có thể mổ trong ngày về được không hay phải ở lại vài ngày theo dõi. Tại nhà em ở xa nên cần bác sĩ tư vấn giúp để em chuẩn bị đồ để ở lại. Trong thời gian chờ phản hồi của bác sĩ em xin chân thành cám ơn.

Trả lời: Chào phụ huynh, Dò trước cổ có nhiều loại, ví dụ: Dò khe mang số 1, 2, 3, 4, dò trước cổ nông, dò tai cổ,…Do chưa rõ, cháu bị dò loại nào nên chưa thể trả lời chính xác được.

Tuy nhiên, hầu hết các đường dò bẩm sinh, nếu không bị nhiễm trùng cấp tính thì có thể sắp xếp mổ khi bé được 10 kg.

Tuỳ tình trạng đường đò, quá trình phẫu thuật, diễn tiến hậu phẫu và sức khoẻ của bé thì mới biết chính xác bé cần nằm viện bao lâu.

Nhưng quá trình chuẩn bị mổ thường diễn ra các bước sau:

1. Bé đến khám và được hẹn lịch xét nghiệm, hẹn lịch mổ

2. Đến ngày xét nghiệm, bé được bác sĩ khám đánh giá tình trạng sức khoẻ tổng quát, chỉ định xét nghiệm. Nếu kết quả xét nghiệm đạt sẽ được hẹn hội chẩn duyệt mổ khoa vào sáng thứ 6 hàng tuần.

3. Sáng thứ 6, bé sẽ được bác sĩ trưởng, phó khoa thăm khám, duyệt chỉ định mổ, phương pháp mổ; bác sĩ gây mê khám tiền mê. Bé được hẹn lịch nhập viện vào trước ngày mổ.

4. Sáng trước ngày mổ, bé nhập viện, chuẩn bị cho cuộc mổ vào ngày hôm sau.

5. Ngày mổ, bé được khám tiền mê lại, đưa vào phẫu thuật. Tuỳ tình trạng sức khoẻ của bé mà có kế hoạch chăm sóc tiếp theo.

 

Lưu ý: Quý phụ huynh có thể xem những giải đáp thắc mắc về sức khỏe của con em mình hàng tuần qua chuyên mục “Trả lời câu hỏi thường gặp” trên trang web Bệnh viện Nhi Đồng 1 http://www.nhidong.org.vn

BSCK2 Phạm Đoàn Tấn Tài
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"