Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 7:39, 27/2/2020
510 lượt đọc

Nữ Bác sĩ với tâm huyết phủ xanh bệnh viện

Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Đồng I (TP HCM) – nơi bác sĩ Châu Tố Uyên đang làm việc - được phủ một màu xanh mát bởi những dây trầu bà, tỏa khắp mọi nơi, từ các lối đi cho đến các băng ghế chờ và... cả trong nhà vệ sinh.

"Tại sao nhà vệ sinh của các bệnh viện ở nước ngoài lại sạch sẽ, tiện nghi và thoải mái, còn đa số nhà vệ sinh của bệnh viện nước mình lại có mùi hôi khó chịu, không sạch sẽ và không có cái gì để nhắc nhở mọi người giữ gìn vệ sinh?". Với băn khoăn đó, bác sĩ Châu Tố Uyên (Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM) đã nảy sinh ý tưởng cải tiến chất lượng nhà vệ sinh bệnh nhân bằng cách trồng thật nhiều cây xanh.

"Tôi mong muốn làm sao cho trong bệnh viện có thật nhiều nhà vệ sinh như ở khách sạn 5 sao. Để mỗi khi bệnh nhân bước vào sẽ cảm thấy thoải mái hơn. Và điều đầu tiên là phủ một màu xanh cho những nơi tế nhị này!"

Hơn một năm nay, tất cả các nhà vệ sinh của Tòa nhà khu C (Khu điều trị nội trú, Bệnh viện Nhi Đồng 1) luôn ngập tràn trong màu xanh của cây lá. Những chậu cây tại đây được chính bác sỹ Uyên và đồng nghiệp của mình chăm sóc. Trầu bà, lan ý, lưỡi hổ… là những loại cây được trồng nhiều nhất ở đây bởi ưu điểm của nó là dễ chăm sóc. Đây cũng là loại cây có đặc tính lọc không khí, hút mùi hôi, giúp cho nhà vệ sinh trở nên sạch sẽ và thông thoáng.

Lần đầu bước vào nhà vệ sinh ở đây, nhiều bệnh nhân sẽ không khỏi bất ngờ khi được nghe những giai điệu nhẹ nhàng cùng những lời nhắc nhở như: "Tiết kiệm nước", "Giữ vệ sinh tay", "Không xả nước ra sàn nhà"… được phát ra từ hệ thống loa. Đây chính là hệ thống chuông báo khách 2 chiều có chức năng cảm biến hồng ngoại, tự động phát nhạc chờ thư giãn và lời nhắc nhở giữ gìn vệ sinh chung khi phát hiện có người chuyển động ra vào. Bác sĩ Uyên cho biết: "Chất lượng nhà vệ sinh phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của mỗi người. Hiện tôi đã cùng cơ quan lắp đặt hệ thống chuông để nhắc nhở, tác động trực tiếp đến ý thức tự giác của bệnh nhân".

Không chỉ có ở trong nhà vệ sinh mà cả Khoa Tiêu hóa cũng được phủ một màu xanh, từ khắp các lối đi cho đến các băng ghế chờ. Tiếng khóc của bệnh nhi, tiếng thở dài đầy ngao ngán và mệt mỏi của phụ huynh, mùi thuốc nồng nặc của bệnh viện như được dịu lại bởi những chậu cây xanh ngát. Đặc biệt hơn là cây xanh ở đây được trồng trong những vỏ chai nhựa và chai dịch truyền đã qua sử dụng.

Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Bích Liên (Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1) chia sẻ: "Việc trồng nhiều cây xanh, lắp đặt hệ thống chuông báo trong nhà vệ sinh là một sáng kiến hay. Đây là một hình thức giáo dục cho các bé và phụ huynh trong thời gian nằm viện biết giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh chung. Thời gian tới Ban Giám đốc cũng sẽ chỉ đạo nhân rộng mô hình này đến với tất cả các khoa". 

Là một bác sĩ làm việc tại Khoa Tiêu hóa, bác sĩ Uyên hiểu rất rõ chất lượng nhà vệ sinh sẽ có tác động như thế nào đến sức khỏe của bệnh nhân.

Theo bác sĩ Uyên, nhà vệ sinh sạch và đẹp sẽ giúp cho tâm lý bệnh nhân thoải mái hơn. Việc sử dụng nhà vệ sinh có chất lượng tốt sẽ giúp bệnh nhân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung, từ đó sẽ có đôi bàn tay sạch, khi chăm sóc các bé sẽ hạn chế được tình trạng nhiễm trùng. Chị luôn tâm niệm: "Bệnh nhân nằm viện đã cực khổ và căng thẳng lắm rồi, mình phải luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho bệnh nhân".

Chị Phạm Thị Tuyết Phương (Hậu Giang) đã 3 tháng nay phải ở lại Bệnh viện Nhi Đồng 1 để chăm sóc con trai đang điều trị tại đây. Không giống như những lần trước, nhà vệ sinh giờ đây đã không còn là nổi ám ảnh đối với mẹ con chị. "Thoải mái và dễ chịu" là những gì mà chị Phương cảm nhận được khi sử dụng nhà vệ sinh ở đây, chị chia sẻ: "Nhà vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng, còn có cả cây xanh và lời nhắc nhở nữa. Thấy nhà vệ sinh sạch quá nên bản thân mình cũng phải tự giác giữ gìn vệ sinh chung".

Còn với cô Trần Thị Sáng (Nhân viên vệ sinh của Bệnh viện Nhi Đồng 1), kể từ ngày có cây xanh và hệ thống chuông báo thì công việc dọn dẹp của cô đỡ vất vả hơn lúc trước rất nhiều. Cô Sáng kể: "Có lúc các bác sĩ bận bịu chưa chăm sóc được thì cô cũng hay mang chúng ra tưới nước. Nhiều khi mình làm việc mệt quá, ngắm mấy cái cây này cũng thấy vui vui, hay hay".

Mười năm trước, cô sinh viên Châu Tố Uyên tốt nghiệp trường Đại học Y Dược TP HCM và chọn Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Đồng 1 làm nơi xuất phát cho sự nghiệp của mình. Uyên chọn công việc khám chữa bệnh cho đối tượng trẻ em cũng bởi một lí do rất đơn giản là vì cô rất yêu thích trẻ con. Cô chia sẻ: "Lúc đầu cũng nghe mọi người bảo làm bác sĩ nhi sẽ cực lắm, nhưng vì yêu thích trẻ con quá nên mình mặc kệ, về làm việc tại Bệnh viện và gắn bó với nơi này từ thời mới ra trường cho đến nay, ngót nghét cũng đã chục năm rồi".

Khi được hỏi về những ngày đầu làm bác sĩ có vất vả lắm không, bác sĩ Uyên trả lời một cách nhẹ nhàng: "Thật ra nghề nào cũng vất vả cả, còn với nghề y thì trong quá trình học tập đã vất vả rồi nên mình cũng quen với điều đó. Với mình, mỗi ngày cố gắng tốt hơn ngày hôm qua là cách để thích nghi và vượt qua những vất vả của nghề".

Trong một lần làm việc, vì quá mệt nên chị Uyên đã có thái độ căng thẳng với phụ huynh của một bệnh nhi. Biết mình đã sai nên chị nhanh chóng điều chỉnh cách ứng xử của mình. Ân hận với thái độ của mình nên về nhà chị đã khóc và gọi điện thoại để xin lỗi vị phụ huynh. Rất may khi chị nhận được sự cảm thông, san sẻ từ phía phụ huynh. Kể từ lần đó, chị luôn nhắc bản thân lúc nào cũng phải thật bình tĩnh trước mọi tình huống. "Phụ huynh lúc nào cũng lo lắng cho tình hình sức khỏe của con em mình, chính vì vậy mà mình cần phải nhẹ nhàng, lựa lời động viên để họ được yên tâm", bác sĩ Uyên tâm sự.

Mười năm theo nghề y, chị không thể nhớ hết mình đã chữa trị thành công cho bao nhiêu trường hợp. Nhưng cũng không ít lần chị phải ngậm ngùi chia tay những bệnh nhi vì bệnh tình quá nặng mà không thể cứu chữa được nữa. Nhắc đến đây, giọng chị nghẹn lại, lời kể đứt rời, nghẹn ngào: "Mỗi lần chia tay bệnh nhân, nhìn chiếc xe cứu thương chở bé đi xa dần mà mình không kìm nén được cảm xúc, nước mắt cứ tự nhiên mà chảy ra. Mình cứ nghĩ rồi sẽ quen thôi nhưng mãi đến tận bây giờ, nước mắt vẫn rơi khi mỗi lần phải nói lời chia xa với một bệnh nhân nào đó".

Trở lại với sáng kiến cải tạo chất lượng nhà vệ sinh của mình, chị Uyên chỉ mong mô hình của mình sẽ ngày càng được nhân rộng ra tất cả các bệnh viện, "để chuyện đi vệ sinh không còn là nổi ám ảnh của thân nhân và bệnh nhân".

Báo người lao động
Nguồn tin: https://nld.com.vn/thoi-su/nu-bac-si-voi-khat-vong-phu-xanh-benh-vien-20200226143409474.htm
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"