Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 10:9, 29/9/2020
661 lượt đọc

Những điều cần biết về nghe kém trẻ em

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới năm 2020, hơn 5% dân số thế giới bị nghe kém, trong đó trẻ em chiếm 9%. Can thiệp sớm giúp trẻ nghe kém có khả năng phát triển ngôn ngữ, hiểu lời, hoà nhập tốt hơn, kết quả này đúng cho mọi lứa tuổi. Chính vì thế, phát hiện, chẩn đoán, can thiệp sớm có vai trò rất quan trọng trong kết quả của quá trình can thiệp nghe kém. Theo Trung Tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), trẻ được chẩn đoán nghe kém nên được can thiệp sớm nhất có thể nhưng đừng trễ hơn 6 tháng tuổi.

- Chương trình tầm soát nghe kém cho mọi trẻ sơ sinh là tối ưu để có thể phát hiện sớm trẻ nghe kém. Tuy nhiên, Việt Nam hiện tại chưa thực hiện được vì nhiều nguyên nhân. Chúng ta chưa có chương trình quốc gia về tầm soát nghe kém cho mọi trẻ, thiếu nhân lực, tài lực và người dân cũng chưa nhận thức đủ về tầm quan trọng của bệnh lý nghe kém…

- Theo một nghiên cứu được thực hiện tại khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Nhi Đồng 1, với 382 trẻ nghe kém được chẩn đoán tại bệnh viện Nhi đồng 1 trong 3 năm 2014 - 2017, chúng tôi ghi nhận tỉ lệ trẻ nghe kém từ nặng đến sâu lên đến 84%, tuổi phát hiện nghe kém là 2,73 ± 2,21 tuổi. Tuổi chẩn đoán xác định trẻ nghe kém là 4,82 ± 2,75 tuổi. Việc phát hiện trễ trẻ nghe kém phần quan trọng do cha mẹ thiếu hiểu biết về cách nhận định các dấu hiệu của nghi ngờ nghe kém hoặc khó khăn trong việc tiếp cận chăm sóc y tế về sức nghe hay do quan niệm sai lầm phải chờ đợi trẻ lớn…Trẻ được chẩn đoán xác định nghe kém trước 2 tuổi trong nghiên cứu chưa đến 6%.

Tại Đơn vị Tai – Thính học của Khoa Tai Mũi Họng, chúng ta chỉ tầm soát cho nhóm trẻ có nguy cơ cao nghe kém từ các khoa nội viện như: Sơ sinh, Tiêu hoá, Tim Mạch...và từ một vài bệnh viện sản lớn như: Từ Dũ, Hùng Vương…Số còn lại, hầu hết trẻ đến khám, tầm soát nghe kém trễ với lý do chậm nói, nói không rõ, đi học không được vì không nghe đầy đủ...

- Trong quy trình tầm soát nghe kém, yêu cầu cần thiết để thực hiện các nghiệm pháp là các bé phải khoẻ, không mắc các bệnh lý cấp tính, các bệnh gây khò khè, không nhiều ráy tai và phải giữ yên lặng hoặc ngủ trong lúc đo tai. Chính vì thế, thực tế rất nhiều trẻ từ xa xôi đến khám trong tình trạng đang ho, sổ mũi, nóng, sốt, ráy tai nhiều hoặc quấy khóc không ngồi yên… nên gia đình trẻ phải đi lại nhiều lần. Điều này làm mất thời gian của gia đình, ảnh hưởng sức khoẻ của trẻ. Nhân viên y tế cũng phải mất nhiều thời gian giải thích cho người thân, giảm năng suất, tăng sự căng thẳng giữa người thân trẻ và nhân viên y tế.

- Bên cạnh vấn đề được tầm soát, chẩn đoán nghe kém trễ, gia đình các trẻ nghe kém còn có những nhận thức sai lầm về các biện pháp can thiệp cho trẻ như: châm cứu, bấm huyệt, vỗ tai, kéo lưỡi,…Những cách làm này gây đau đớn cho trẻ, nuôi hi vọng ảo cho người thân của bé, phí tiền của, phí công sức và quan trọng nhất là bỏ phí quỹ thời gian vàng giúp trẻ có thể phát triển ngôn ngữ nếu được can thiệp đúng. Không ít các trường hợp, các bé được chẩn đoán nghe kém, can thiệp máy trợ thính từ sớm nhưng lại không theo học âm ngữ trị liệu dẫn đến kết quả phát triển ngôn ngữ kém.

- Hiện tại, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã có những hoạt động nhằm nâng cao tỷ lệ tầm soát nghe kém cho các trẻ có nguy cơ từ các khoa lâm sàng nội viện, trả lời câu hỏi trên web bệnh viện, sinh hoạt câu lạc bộ bệnh nhân nghe kém không thường xuyên, truyền thông báo đài những trường hợp được tài trợ cấy điện cực ốc tai miễn phí,…

Để nâng cao hiệu quả chương trình tầm soát, cải thiện chất lượng điều trị và phục hồi chức năng nghe cho trẻ nghe kém, vai trò của “Chương trình sàng lọc nghe kém tất cả trẻ sơ sinh” là hết sức cần thiết. Để thực hiện chương trình này, cần có sự phối hợp các chương trình truyền thông nhằm nâng cao hiểu biết của người dân về tác hại của nghe kém, ảnh hưởng của nghe kém lên chất lượng cuộc sống, lợi ích của việc phát hiện sớm và can thiệp đúng thời điểm và sự đầu tư đúng mức từ các cấp quản lý của chính phủ, của ngành y tế từ trung ương đến địa phương.

- Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tần suất nghe kém cao trên thế giới nhưng những dịch vụ phục hồi chức năng vẫn còn thấp, nhất là đối với những người khuyết tật về nói và nghe (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, 2000). Một phần ba trẻ em khuyết tật chưa bao giờ được điều trị và tỷ lệ này đặc biệt cao đối với những người sống ở các vùng nông thôn Việt Nam. So với khoảng 20% trẻ khiếm thị đang sử dụng các thiết bị phục hồi chức năng như kính thì dưới 2% trẻ em khiếm thính Việt Nam được sử dụng các thiết bị can thiệp phù hợp như máy trợ thính.

- Chính vì những lý do nêu trên, nay Đơn vị Tai - Thính học thực hiện sáng kiến cải tiến là tờ bướm “Những điều cần biết về nghe kém trẻ em” nhằm cung cấp thêm thông tin về nghe kém, về tầm quan trọng của việc chẩn đoán sớm, hiệu quả của can thiệp sớm, can thiệp đúng cho trẻ nghe kém... để giúp các phụ huynh, người căm sóc trẻ lưu ý phát hiện sớm trẻ nghi ngờ có nghe kém. Tờ bướm cũng là công cụ hỗ trợ cho nhân viên y tế trong hướng dẫn cho thân nhân bệnh nhi, giảm căng thẳng trong qua trình làm việc và nâng cao năng suất. Xin giới thiệu với các bạn tờ bướm và có thể tải về để xem. Rất vui lòng nhận được sự góp ý của các bạn.

- Link tải về:

https://file.nhidong.org.vn/index.php/s/SZTkcg95XTGqor6

Bs.CK2 Phạm Đoàn Tấn Tài
Nguồn tin: Đơn vị Tai – Thính học Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi Đồng 1
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"