Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 9:5, 22/9/2020
681 lượt đọc

Giảm tiếng ồn tại Khoa Hồi sức Ngoại – Bệnh viện Nhi Đồng 1

Môi trường làm việc (bao gồm cả yếu tố vật lý và khía cạnh tâm lý) ảnh hưởng quan trọng đến chất lượng điều trị và hài lòng nghề nghiệp của nhân viên. Vì vậy, ô nhiễm tiếng ồn trong bệnh viện, nhất là tại các khu điều trị cần được quan tâm.

Nhiều nghiên cứu cho thấy cường độ tiếng ồn caodẫn đến rối loạn giấc ngủ, thậm chí mấtthính lực.Thiếu ngủ kéo dài làm suy giảm miễn dịch, thay đổi nội tiết tố, thần kinh và giảm khả năng chịu đựng đau. Thiếu ngủ còn liên quan rối loạn chức năng cơ hô hấp, giảm khả năng đáp ứng với toan hô hấp và giảm oxy hóa máu gây khó khăn khi cai máy thở. Đối với nhân viên y tế, ô nhiễm tiếng ồn nghề nghiệp liên quan đến rối loạn thần kinh và cáu gắt. Khả năng đọc, tập trung, giải quyết vấn đề và trí nhớ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cường độ tiếng ồn. Tiếng ồn quá mức kiểm soát có thể làm giảm sự hỗ trợ, tương tác giữa các nhân viên khoa hồi sức,ảnh hưởng đến làm việc nhóm khi chăm sóc người bệnh.

Tổ chức Y tế Thế giới và Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa kỳ (EPA- Environmental Protection Agency) khuyến cáo cường độ tiếng ồn trong bệnh viện không vượt quá 40-45 dB vào ban ngày và 35 dB vào ban đêm. Cơ quan quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp (OSHA) đề xuất cường độ ồn không vượt quá 85dB ở khu vực làm việc (OSHA, 2011). Tại Việt Nam, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn - mức tiếp xúc cho phép tiếng ồn tại nơi làm việc, quy định giới hạn cho phép mức áp suất âm tại các phòng máy có nguồn ồn không quá 80 dBA và trong mọi thời điểm khi làm việc, mức áp âm cực đại (Max) không vượt quá 115 dBA.

                Khảo sát ban đầu tại khoa Hồi sức Ngoại -Bệnh viện Nhi đồng 1 cho thấy cường độ tiếng ồn trung bình (LAeq) là 70,11dB và cực đại (LCpeak) là 102,71dB vào ban ngày. Ngoài các nguồn phát bên ngoài khó điều chỉnh như giao thông, công trường xây dựng thì các nguồn phát tiếng ồn nội tại là trang thiết bị y tế, tiếng nói (giao dụng cụ, bàn giao bệnh, trao đổi việc riêng, hoặc trẻ khóc do đau hoặc sợ). Nghiên cứunhằm bước đầu thiết lập chương trình kiểm soát tiếng ồn tại khoa Hồi sức Ngoại, tạo môi trường làm việc an toàn & thoải mái cho nhân viên y tế, góp phần cải thiện chất lượng điều trị.Sau can thiệp, cần:[a] Giảm cường độ tiếng ồn trung bình (LAeq) dưới 65 dB vào ban ngày;[b] Giảm cường độ tiếng ồn tối đa (LCpeak) dưới 90 dB vào ban ngày;[c] Tăng tỷ lệ tuân thủ hướng dẫn kiểm soát tiếng ồn trên 85%.

Nghiên cứu được thực hiện qua 3 nhóm hoạt động chính

Hoạt động 1: Sử dụng thiết kế cắt ngang để chọn apps đo lường tiếng ồn phù hợp trong các apps miễn phí được CDC-Hoa kỳ giới thiệu.

Hoạt động 2: Sử dụng thiết kế cắt ngang để xác định cường độ tiếng ồn, khung giờ cao điểm, và các nguồn phát tiếng ồn nội tại.

Hoạt động 3: Triển khai gói can thiệp gồm poster truyền thông, hướng dẫn xử trí âm báo động, hướng dẫn bàn giao theo IPASS (Illness Severity-Patient summary-Action List-Situation Awareness & Contingency Planning-Synthesis by Receiver) thông quahình thức tập huấn, niêm yết, giám sát sự tuân thủ và phản hồi để điều chỉnh hành vi.

Kết quả nhiên cứu cho thấy có 2 ứng dụng đo cường độ ồn là iOS-NIOSH và Android-Noise meter có độ lệch nhỏ nhất. Nhóm nghiên cứu chọn điện thoại có hệ điều hành iOS để đo lường.

         Nhóm nghiên cứu bắt đầu đo tiếng ồn từ tuần 44–2019 và qua phân tích số liệu cho thấy:

         [1] Khung giờ có cường độ ồn cao nhất trong ngàyđược xác định là 7:00, 10:00, 14:00giờ (với LAeq = 70,11dB, LCpeak = 102,71dB),các nguồn phátđược ghi nhận trong khung giờ này là bàn giao giữa các ca làm việc. Khung giờ có cường độ ồn thấp là từ 22:00 giờ đến 6:00 giờ (LAeq = 59,83 dB, LCpeak = 92,11dB). Vì vậy, mục tiêu can thiệp chỉ nhằm giảm LAeq xuống dưới 65dB và LCpeak dưới 90dB vào ban ngày.

         [2] Các nguồn tiếng ồn chính: giọng nói của nhân viên (bao gồm bàn giao bệnh, nói chuyện riêng), âm báo động (máy thở, máy theo dõi nhiều thông số, máy bơm tiêm, máy truyền dịch), người bệnh khóc và các hoạt động soạn rửa dụng cụ của nhân viên.

Các giải pháp can thiệp giảm tiếng ồn đã được triển khai:

  1. Thiết lập hệ thống quản lý môi trường tại Khoa Hồi sức ngoại: gồm nguồn lực (apps đo tiếng ồn), hệ thống tài liệu (poster, các hướng dẫn lâm sàng và đo lường tiếng ồn) và tổ chức (nhóm quản lý môi trường).
  2. Thiết kế và niêm yết poster khuyến khích giữ yên lặng

    Bộ poster chủ đề “giữ yên lặng”gồm 4 poster được thiết kế (hình 1), chọn vị trí phù hợp và bắt đầu niêm yết từ tuần 50- năm 2019 để nhắc nhân viên thực hiện. Các vị trí được chọn là cửa ra vào, vị trí soạn dụng cụ, hướng các lối đi và màn hình nền máy tính.

             

    Hình 1: Các Poster chương trình cải tiến

  3. Tỷ lệ tuân thủ cài đặt giới hạn báo động

             Hướng dẫn cài đặt và xử trí âm báo động máy được xây dựng và tập huấn triển khai tuần 19 – năm 2020.Giám sát cài đặt báo động chỉ thực hiện ở máy theo dõi nhiều thông số do thiết bị này chiếm hầu hết số lượt không tuân thủ cài đặt báo động được ghi nhận. Tỷ lệ tuân thủtăng dần và đạt mục tiêu từ tuần 21 – năm 2020.

  4. Tỷ tuân thủ hướng dẫn xử trí báo động

             Nhóm chỉ giám sát tuân thủ xử trí báo động của máy theo dõi nhiều thông số và máy thở, vì đây 2 loại máy có âm báo động lớn. Tỷ lệ tuân thủ tăng dần có ý nghĩa thống kê và đạt mục tiêu từ tuần 21.

  5. Tỷ lệ tuân thủ bàn giao bệnh theo IPASS

                Phân tích Pareto cho thấygiọng nói là nguồn tiếng ồn chính, nhất làbàn giao bệnh. Vì vậy, chúng tôi đã chuyển ngữ công cụ bàn giao IPASSvà tập huấn cho điều dưỡng từ tuần 19- năm 2020, nhằm tránh bỏ sót nội dung cần bàn giao và từng bước chuyển bàn giao hoàn toàn bằng lời sang kết hợp bảng kiểm. Tỷ lệ tuân thủ bàn giao theo IPASS tăng trên ngưỡng mục tiêunhưng chưa ổn định – tuần 27 < 85%.

 

  1. Cường độ tiếng ồn trung bình LAeq và cực đại Lcpeak:

                    Sau can thiệp đầu tiên là thiết lập hệ thống quản lý môi trường và niêm yết các poster của chương trình vào tuần 50 (năm 2019), LAeq và LCpeak giảm về mức tương ứng là 68,14dB và 101,16dB nhưng còn cao hơn nhiều so với mục tiêu.

    Biểu đồ tổng tích lũy (cusum) sử dụng mức tham chiếu trung tâm là mục tiêu cải tiến và khoảng quyết định h = 5 để so sánh 8 tuần trước (tuần 11-18 năm 2020) & sau can thiệp (tuần 19-26), cho thấy cường đồ ồn giảm có ý nghĩa từ tuần 16 và khuynh hướng giảm rõ rệt với chuỗi điểm giá trị ngoại lai. Điều này cho thấy các can thiệp đã làm giảm cường độ tiếng ồn ở mức so sánh 05,-1,5 độ lệch chuẩn, dù mức giảm này chưa đạt mục tiên ban đầu.

 

 

Hình: Biểu đồ tổng tích lũy 8 tuần trước và sau can thiệp

 

       Như vậy kết quả bước đầu của chương trình cải tiến giảm tiếng ồn cho thấy mức cường độ tiếng ồn có giảm và đảm bảo yêu cầu về an toàn lao động cho nhân viên y tế theo Quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới đã đề ra nhằm tạo điều kiện môi trường có cường độ tiếng ồn lý tưởng cho việc chăm sóc và điều trị bệnh nhân thì cần phải tiếp tục duy trì các chương trình đã can thiệp, giám sát sự tuân thủ các hướng dẫn và phản hồi liên tục cho nhân viên cũng như triển khai thêm các chương trình can thiệp tiếp theo như “Quản lý đau”, “Khoảng yên lặng”, “Âm nhạc trị liệu”,….

LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"