Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 10:20, 25/7/2017
1293 lượt đọc

Tổn thương vùng mặt do chó cắn tai nạn cần cảnh báo trong dịp hè


Bé Ng đang được điều trị tại BV Nhi Đồng 1

Rách mi dưới và khóe ngoài mắt. Thiếu hổng rộng da cơ vùng má và sâu đến sát xương hàm trên

Hai tuần sau mo

   Bé  Đặng Ngọc Ng., 5 tuổi, ngụ tại Thạnh Tân Xuân, Hóc Môn, TpHCM. Nhập khoa Răng hàm mặt bệnh viện Nhi Đồng 1 lúc 10 giờ sáng thứ bảy 22.03.2008 trong tình trạng cấp cứu với một tổn thương lớn gây  thiếu hỗng trầm trọng  vùng hàm mặt  do bị chó nhà cắn phải.

   Bé nhập viện trong tình trạng hoảng hốt lo sợ, tổng trạng gầy ốm, da niêm hơi xanh, tình trạng thiếu máu nhe, đầu và mặt quấn băng che kín. Khi tháo băng vùng mặt ra, các bác sỹ trực hết sức bàng hoàng và bất ngờ trước mức độ tàn phá của vết thương: một phần lớn da và cơ mặt bị chó cắn và tha mất, vết thương thiếu hổng rộng chiếm gần hết phần mặt bên phải và khuyết sâu đến mức làm lộ cả mặt trước xương hàm trên. Bờ dưới mi mắt và khóe mắt ngoài bị xé rách, gây tụ máu trong kết mạc mắt phải. Nhiều vết trầy xướt ở mũi, môi và phần mặt trái do chó quào.

   Bé được tiến hành mổ cấp cứu bởi các bác sỹ phẫu thuật hàm mặt - tạo hình của bệnh viện. Đây là ca mổ khá phức tạp vì phần thiếu hỗng quá lớn. Bằng cách sử dụng kỹ thuật trượt và xoay da cơ vùng mặt, sau hai giờ phẫu thuật căng thẳng, cuối cùng vết thương thiếu hổng ở vùng mặt cũng đã được đóng kín. Ngay ngày hôm sau bé được chuyển đi chích ngừa dại và uốn ván, diễn tiến lành thương tương đối tốt.

   Theo bác sỹ Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng hàm mặt, trưởng kíp phẫu thuật tạo hình thi trong thời gian gần đây tình trạng trẻ em bị chó cắn ở vùng mặt khá phổ biến. Do ở nhóm tuổi này đa số trẻ thích chơi đùa với chó, nhưng chưa ý thức được sự nguy hiểm của chó và chưa đủ sức để tự bảo vệ khi bị chó tấn công. Nghiên cứu trên nhóm bệnh nhân bị chó cắn người ta nhận thấy rằng, ơ người lớn  vết thương do chó cắn hay gặp ở chân và tay, nhưng ở trẻ em do độ cao tầm mặt của các em bé thường ngang với tầm miệng và chân  của chó do đó xác suất bị tổn thương ở vùng mặt là khá cao. Về tính chất tổn thương,  vết thương mặt do chó gây ra thường là vết cắn xé do răng, vết rách nát do cào xước của móng vuốt và những vùng tụ máu do va đập. Hình ảnh điển hình của vết thương chó cắn là một vùng giải phẫu rộng lớn bị rách nát, thiếu hổng, xảy ra ở nhiều vị trí, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan vùng mặt như mắt, mũi, miệng, tai. Đặc biệt vết thương do chó cắn dễ bị nhiễm các loại tạp khuẩn, nhiễm virus bệnh dại từ nước bọt của chó và nhiễm uốn ván từ móng vuốt chó.…Chính vì thế, việc điều trị vết thương do chó gây ra thường rất phức tạp, tốn kém, và thường để lại những di chứng như sẹo xấu, sẹo co kéo, tổn thương các cơ quan vùng mặt…v.v. ; ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ và chức năng khuôn mặt của em bé sau này.

   Nhận định về các yếu tố liên quan đến tai nạn này, theo ý kiến của Bác sỹ Nguyễn Văn Đẩu thì về dịch tể học, trẻ em ở mọi lứa tuổi đều có thể là nạn nhân của chó, đặc biệt là nhóm trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Chó gây ra tai nạn thường là chó nhà, một số ít trường hợp là chó hàng xóm hoặc chó lạ không rõ nguồn gốc. Thời điểm xảy ra tai nạn là lúc trẻ không đến trường, đặc biệt là vào mùa hè. Thông thường chó ít khi cắn người, đặc biệt là chó nuôi gần gũi trong nhà; nhưng trong một số trường hợp như bị trẻ em đùa giỡn hay chọc phá một cách quá đáng khi chó đang ăn, đang ngủ đang trong thời gian nuôi chó con…v.v. làm chó bị đau, bị  khiêu khích, và chó sẽ phản ứng lại bằng cách tấn công vào trẻ em. Chính vì thế để phòng tránh chó cắn, cần nhắc nhở trẻ em nên hạn chế tiếp xúc với chó nhà; tránh  đùa giỡn chọc phá chó, tránh thâm nhập vào địa phận dành riêng cho chó, tránh lại gần chó lạ. Đối với các bậc cha mẹ, nếu nhà có trẻ nhỏ nên hạn chế nuôi chó. Trong trường hợp cần thiết phải nuôi chó cần lưu ý các điểm sau: xích nhốt chó ở nơi biệt lập mà trẻ em không có khả năng tới; không tập hay huấn luyện chó những động tác hiếu chiến, những trò chơi tấn công; chích ngừa đầy đủ cho chó. Đặc biệt có thể hướng dẫn cho trẻ biết cách tự bảo vệ vùng đầu mặt của mình khi chẳng may bị chó tấn công bằng động tác như sau: cuộn tròn người lại như trái banh, hai tay ôm chặc lấy đầu và mặt.

Theo BSCK2 Nguyễn Văn Đẩu
Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, BV Nhi Đồng 1
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"