Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 11:41, 10/7/2020
333 lượt đọc

Trả lời câu hỏi về sức khỏe của phụ huynh kỳ 86 - Chuyên đề Bệnh lý về mắt ở trẻ em

Trẻ em lúc mới sinh thường gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là các bệnh về mắt. Bệnh về mắt ở trẻ em có khá nhiều nguyên nhân và diễn biến bệnh phức tạp. Vì cơ chế chức năng hoạt động của mắt còn khá non nớt nên cha mẹ cần chú ý trong việc theo dõi và chăm sóc bé. Câu hỏi sức khỏe kỳ này BSCK2 Nguyễn Thị Ngọc Anh – Trưởng Đơn vị Mắt sẽ trả lời quý phụ huynh những vấn đề liên quan đến bệnh lý mắt ở trẻ em.

BSCK2 Nguyễn Thị Ngọc Anh – Trưởng Đơn vị Mắt

Câu hỏi của phụ huynh N.T.H nhà ở Vĩnh Long: Bác sĩ làm ơn cho em hỏi, mắt con em bị nổi những hạt nhỏ li ti trong lòng trắng sát khóe mắt. Con em bị gì có nặng lắm không ạ? Xin bác sĩ tư vấn cho em ạ.

Trả lời: Chào bạn, theo như lời bạn mô tả thì có thể bé bị viêm kết mạc mắt. Các nguyên nhân gây bệnh viêm kết mạc bao gồm:

   - Do virus: Là nguyên nhân hay gặp nhất, trong đó khoảng 80% là Adenovirus. Bệnh dễ lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với nước mắt bệnh nhân.

   - Do vi khuẩn: Bao gồm các loại vi khuẩn như tụ cầu, ... bệnh lây qua tiếp xúc dịch tiết hay vận dụng có dính dịch tiết chạm vào mắt. Có thể gây tổn thương nặng khi không được điều trị.

   - Do tác nhân gây dị ứng (bụi, lông vật nuôi, phân hoa, thuốc, thức ăn...): Xuất hiện trên những người có cơ địa dị ứng, bệnh thường xuất hiện tái đi tái lại có thể xuất hiện theo mùa. Không lây và muốn điều trị dứt điểm phải tìm được tác nhân gây dị ứng.

 Nhưng để các Bác sĩ chẩn đoán chính xác tổn thương đó là gì thì mẹ nên đưa bé đến thăm khám tại phòng khám chuyên khoa Mắt nhé. Trân trọng./.

--

Câu hỏi của phụ huynh T.A nhà ở TP Cà Mau: Xin chào bác sĩ, bé nhà cháu sinh non 30 tuần, mắt bị ROP và đã được điều trị bằng phương pháp Lazer tại Bệnh viện nhi đồng 1. Bé đã tái khám vài lần: gần đây nhất là ngày 02/1/2020 tái khám sau 3 tuần, ngày 20/1/2020 tái khám sau 1 tháng, 20/2/2020 tái khám sau 2 tháng là 20/4/2020. Nhưng hiện nay đang dịch covid 19 thì có nên tái khám đúng hẹn hay chờ hết dịch ạ. Cám ơn bác sĩ.

Trả lời: Chào bạn, với bệnh nhi được chẩn đoán ROP, bác sĩ phải có kế hoạch theo dõi tái khám định kỳ thường xuyên để đánh giá tình trạng mắt của trẻ cho đến tuổi trưởng thành.

Khi theo dõi tái khám Bác sĩ sẽ ghi nhận những biến chứng sớm bao gồm: xuất huyết dưới kết mạc, Đục mờ giác mạc, Xuất huyết tiền phòng, …Những biến chứng muộn: dính mống, Đục thủy tinh thể, xuất huyết pha lê thể, Glaucome, nếp võng mạc, bong võng mạc, Lé, Nhược thị…

Với hàng loạt những biến chứng sớm và muộn có thể xảy ra cho trẻ sau điều trị ROP mẹ nên sắp xếp cho trẻ khám theo hẹn của Bác sĩ. Trân trọng./.

--

Câu hỏi của phụ huynh H.T.T.N nhà ở Bình dương: Bé nhà em nay đã được 4 tháng, nhưng nhìn vào tròng trắng mắt gần ngay khoé mắt thì thấy có ánh lên 1 màu trắng như bị chiếu đèn vào vậy, em muốn hỏi là liệu như vậy mắt bé có bị sao không ạ, có bị lác mắt không ạ, em rất mong sớm được câu trả lời từ các bác sĩ chuyên khoa ạ.

Trả lời: Chào bạn, Nếu mắt lệch nhiều thì rất dễ nhận biết trẻ có lác hay không. Đối với những trường hợp lác ẩn thì khám chuyên khoa Mắt mới phát hiện được.

Nếu mẹ nghi ngờ trẻ có lác thì nên khám trẻ vào khoảng 6 tháng tuổi vì có những tác hại nghiêm trọng nếu lác xảy ra ở trẻ em đang trong giai đoạn phát triển thị giác, có thể gây mất thị lực ở mắt lác (hay còn gọi là nhược thị), mất chức năng thị giác 2 mắt – khả năng canh khoảng cách kém giữa 2 vật; dễ bước hụt chân cầu thang, không xem được hình nổi 3D… Trân trọng./.

--

Câu hỏi của phụ huynh Đ.T.T nhà ở quận 10 TPHCM: Chào bác sĩ. Con tôi 3 tuổi. Gần đây tôi phát hiện cháu có biểu hiện lác nhưng không biết có đúng không? Làm thế nào để biết chính xác con mình có bị lác không? Nếu lác nhẹ thì có cần điều trị không? Phẫu thuật có gây ảnh hưởng gì xấu tới mắt không? Cám ơn bác sĩ.

Trả lời: Chào bạn, Lác có nhiều nguyên nhân như do tật khúc xạ, do sự cấu tạo bất thường bẩm sinh của hệ vận động nhãn cầu (ở các cơ); hoặc do tổn thương thần kinh, do hậu quả của bệnh ở não, hay do một bệnh bẩm sinh làm giảm thị lực ở một mắt kéo dài không được chữa trị (đục thủy tinh thể, sẹo giác mạc, sụp mi...)

Tùy theo từng trường hợp lác, sẽ áp dụng một hoặc kết hợp các phương pháp điều trị sau:

   - Tập qui tụ

   - Đeo kính khi kèm tật khúc xạ.

   - Che mắt khi mắt lác bị nhược thị.

   - Phẫu thuật: là điều chỉnh các cơ vận nhãn nhằm đưa 2 mắt về thẳng trục.

Khi thấy con trẻ có mắt không bình thường, nhìn lệch, nhìn nghiêng... nên đưa đến khám ở các bệnh viện có chuyên khoa Mắt, để được chẩn đoán và điều trị đúng phương pháp.

Với câu hỏi: “Phẫu thuật có gây ảnh hưởng gì xấu tới mắt không?” Mục tiêu của phẫu thuật lác là giúp phục hồi chức năng thị giác 2 mắt và ngăn ngừa nhược thị, ngoài ra còn có mục đích là thẩm mỹ giúp trẻ cảm thấy tự tin hơn trong giao tiếp. Sau mổ có thể có tụ máu gây đỏ mắt, sưng phù kết mạc hoặc mi mắt, những biến chứng này có thể điều trị hết mà không để lại di chứng.

Trân trọng./.

--

Câu hỏi của phụ huynh N.T.P nhà ở Quận 12 TPHCM: Bác sỹ ơi, bé nhà em sinh ra khi khóc chảy nước mắt. Em nghe nói đó là bị tắc tuyến lệ. Bệnh này có ảnh hưởng thế nào đến bé? Có cần phải điều trị hay không? Và phương pháp điều trị thế nào? Làm thế nào để biết bé đã thông tuyến lệ như bình thường? Mong nhận được tư vấn của bác sỹ. Bé nay được 2 tháng ạ. Xin cám ơn!

Trả lời: Chào bạn, Bé bị tắc lệ đạo là khi không khóc vẫn thấy chảy nước mắt, mắt long lanh ngấn lệ, có thể kèm đổ ghèn, đỏ mắt nếu có nhiễm trùng kèm theo.

Khi tắc lệ đạo, vùng góc trong mắt có thể nề nhẹ, sưng hơn, góc ngoài khóe mi đỏ dễ loét. Nếu quá trình tắc kéo dài, đặc biệt là tắc ở ống lệ mũi nếu không được điều trị có thể gây ra viêm túi lệ mạn tính. Nước mắt bị ứ đọng tại túi lệ có thể gây ra nhiễm trùng tại đường lệ, túi lệ bị viêm, có nhầy mủ. Ấn vào vùng này có nhầy mủ trào ra ở khóe mắt, gây áp xe tại túi lệ, thậm chí gây dò, thoát mủ ra ngoài da, đau nhức nhiều, vùng góc trong mắt sưng nề, tấy đỏ.

Việc điều trị bao gồm các phương pháp từ điều trị bảo tồn đến điều trị xâm lấn chuyên sâu hơn:

   - Massage vùng túi lệ 4 – 6 lần/ ngày, kháng sinh nếu có nhiễm trùng.

   - Thông lệ đạo. Một số bé phải thông lệ đạo nhiều lần.

   - Đặt ống silicone nối thông lệ mũi: hiện tại ở Nhi đồng 1 phương pháp đặt ống silicone kết hợp nội soi mũi được cải tiến mới nhất giúp điều trị tối ưu hơn, ít biến chứng hơn.

Việc chọn lựa và thời gian áp dụng cho mỗi phương pháp tùy theo độ tuổi, triệu chứng và đáp ứng của mỗi bé. Tốt nhất bạn cho bé đến khám chuyên khoa mắt để bác sĩ tư vấn nhé. Trân trọng./.

--

Câu hỏi của phụ huynh N.T.T: Bác sĩ cho em hỏi ạ! Con em được 8 tháng, 2 ngày này ở dưới mi mắt trên bên trái có nổi cục, lúc cháu ngủ nhìn rõ, sờ vào thấy cộm! Bình thường thì nhìn hơi đỏ so với bên kia nếu nhìn kỹ! Vậy là bị sao vậy bác sĩ?

Trả lời: Chào bạn, triệu chứng như bạn mô tả có thể bé bị chắp lẹo. Cần đưa bé đến khám chuyên khoa mắt để bác sĩ đánh giá xem con bạn chỉ cần uống thuốc, nhỏ mắt hay phải tiểu phẫu thoát mủ ra. Vì nếu để lâu ngày chắp lẹo có thể lan sang những vị trí khác trên mi hoặc dò ra ngoài da gây sẹo xấu. Trân trọng./.

---

Quý phụ huynh có thể xem những giải đáp thắc mắc về sức khỏe của con em mình hàng tuần qua chuyên mục “Trả lời câu hỏi thường gặp” trên trang web Bệnh viện Nhi Đồng 1 http://www.nhidong.org.vn

BSCK2 Nguyễn Thị Ngọc Anh
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"