Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 16:21, 29/5/2020
1937 lượt đọc

Trả lời câu hỏi về sức khỏe của phụ huynh kỳ 83 - Chuyên đề nong hậu môn, ruột xoay bất toàn, sa trực tràng

Chuyên mục sức khỏe kỳ này BSCK2 Phan Ngọc Duy Cần - Trưởng khoa Khám và Điều trị trong ngày sẽ trả lời thắc mắc của quý phụ huynh liên quan đến vấn đề nong hậu môn, ruột xoay bất toàn, sa trực tràng ở trẻ.

BSCK2 Phan Ngọc Duy Cần - Trưởng khoa Khám và Điều trị trong ngày

Câu hỏi của phụ huynh P.T.T.L nhà ở Vũng Tàu: Bé hiện 3 tuổi, là bé gái, đã làm phẫu thuật chuyển lỗ hậu môn ở gần lỗ sinh dục nữ đến đúng vị trí hậu môn từ lúc 4 tháng tuổi. Đã đi tái khám đến năm 2 tuổi. Việc nong tại nhà cũng giúp bé được lỗ hậu môn tại thời điểm 2 tuổi là phù hợp. Tuy nhiên, gần đây gia đình thấy bé đi vệ sinh khó khăn. Nên có câu hỏi như thế này: liệu sau này bé lớn lên lỗ hậu môn tạo cho bé có còn phù hợp không, khi bé lặp gia đình mang thai chèn ép thì liệu có gây ảnh hưởng sức khỏe không, làm thế nào để cải thiện hơn về độ rộng hậu môn vì khó khăn trong việc đại tiện là nổi khổ theo suốt đời ạ. Mong bác sĩ rư vấn giúp ạ

Trả lời: Chào chị, Khi đã tạo hình hậu môn về vị trí bình thường. Độ rộng hậu môn sẽ có kích thước khác nhau tuỳ vào lứa tuổi, vì vậy, đối với những lứa tuổi khác nhau cần có que nong thích hợp. Về vấn đề hẹp hậu môn, chị vẫn tiếp tục nong hậu môn cho bé đúng cách theo hướng dẫn. Khi bé lớn, việc đi đại tiện hằng ngày sẽ là một hình thức nong hậu môn tự nhiên cho bé.

Chị nhớ đưa bé tái khám đúng theo lịch hẹn để Bác Sĩ thăm khám và kiểm tra hậu môn định kỳ cho bé. Chúc chị và bé khoẻ mạnh!

--

Câu hỏi của phụ huynh N: Bé nhà em phẫu thuật ko hậu môn một thì ngày 25/10/2019 ở Nhi Đồng 1 khi cháu được 1 ngày tuổi. Sau 12 ngày phẫu thuật cháu nong que 9 một tuần. Rồi nong que 10 ba tuần. Rồi đổi sang nong que 11 - 12. Lâu nay em vẫn nong cho cháu bình thường, nhưng mấy ngày gần đây khi nong cháu bị ra 1 giọt máu đỏ liệu có sao ko ạ? Dấu hiệu như thế nào thì phải tái khám ạ? Dạo gần đây cháu xì hơi To tiếng và xì hơi là khóc dặn đỏ mặt. Nếu ko có vấn đề gì thì e cứ nong theo lịch trên đây phải ko ạ? Cho em hỏi trường hợp của bé thì nong tới mấy tuổi? Và nong độ sâu 2-3cm phải không ạ?

Trả lời: Chào chị, Với lứa tuổi như trên thì cháu nong que 11 – 12 là phù hợp. Tuy nhiên nếu ra giọt máu đỏ thì có thể xảy ra xây xát ở niêm mạc hậu môn. Trong quá trình nong hậu môn, que nong nên được bôi trơn cũng như thân nhân phải giữ bé tốt, tránh bé giãy giụa làm vùng hậu môn bị xây xát.

Nếu đã làm tốt những vấn đề này mà tình trạng chảy máu vẫn xảy ra, chị có thể đưa bé đến khám phòng khám Ngoại B5 vào sáng thứ tư hàng tuần để Bác Sĩ thăm khám và tư vấn. Trường hợp của con chị nong kéo dài ít nhất 1 năm, độ sâu 2-3cm.

Chúc chị và bé khoẻ mạnh!

--

Câu hỏi của phụ huynh L.T.H nhà ở Bình Dương: Bác sĩ cho em hỏi. Bé nhà em sinh được 10 hôm đã phải mổ vì bị xoắn ruột, ruột xoay bất toàn. rất may là cháu không bị hoại tử ruột ạ. Giờ cháu được 7 tháng nặng 9 kí, cao 70 cm. Vậy bác sĩ cho e hỏi, sau này có nguy cơ bị xoắn lại không ạ. Em rất là lo lắng.

Trả lời: Chào chị, Ruột xoay bất toàn (RXBT) là kết quả của sự xoay và cố định không hoàn toàn của ruột, xảy ra trong thời kỳ phát triển của bào thai. Vì không được cố định đúng vị trí giải phẫu bình thường nên ruột ở trẻ dễ bị nguy cơ xoắn.

Sau khi được tháo xoắn và đưa ruột về vị trí bình thường, ruột sẽ ít có nguy cơ xoắn hơn. Tuy nhiên, ở trẻ bình thường vẫn có thể tồn tại nguy cơ xoắn ruột. Khi em có các triệu chứng: đau bụng (quấy khóc cơn), ói, bụng trướng, bí trung – đại tiện nên được đến bệnh viện sớm để Bác Sĩ chẩn đoán và xử trí kịp thời. Thông tin đến chị.

Chúc chị và bé khoẻ mạnh!

--

Câu hỏi của phụ huynh P.T.Y nhà ở Thủ Đức: Con tôi gần 5 tuổi. Bé bị đau bụng khi đi ị có bị lòi chê. Đi siêu âm và chụp hình nói bé bị dư hơi, đau bụng mấy tháng nay. Bác sĩ nói có thể bị sa trực tràng. Có cho thuốc về uống 1 tháng (mới uống được một tuần). Bé vẫn còn đau bụng xin cho hỏi bé đau bụng là có phải do bị sa trực tràng hay không và cách điều trị ạ.

Trả lời: Chào chị, Sa trực tràng thường là hậu quả của tình trạng táo bón kéo dài hoặc là biến chứng của bệnh lỵ kéo dài. Đoạn trực tràng thường sa ra ngoài khi bé rặn mạnh. Tuy nhiên, sa trực tràng thường không kèm theo đau bụng.

Chị có thể cho bé đến khám tại phòng khám Ngoại của khoa Điều trị trong ngày để BS khám, xác định có sa trực tràng hay không cũng như cách điều trị.

Chúc chị và bé khoẻ mạnh!

--

Câu hỏi của phụ huynh L.M.T.D: Thưa bác sĩ con tôi bị bệnh hẹp đại tràng bẩm sinh đã được phẫu thuật tại bệnh viện lúc 1 tháng tuổi. Sau đó bé đi tiêu được ít khi són. Nay bé được 4 tuổi cân nặng 14kg. Nhưng khoảng 2 tháng nay sau khi đi nhà trẻ về trẻ hay bị đau quặn bụng sau đó đi cầu thì hết đau, phân bình thường không khô. Bác sĩ cho tôi hỏi tình trạng đau bụng của bé có ảnh hưởng tới sức khỏe của bé không ạ?

Trả lời: Chào chị, Không biết bé mỗi ngày có mỗi đi tiêu? Màu sắc phân thế nào? Có lẫn đàm, nhớt? Tình trạng này có thể do rối loạn tiêu hoá hoặc viêm ruột.

Chị có thể đưa bé đến khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 để Bác sĩ trực tiếp thăm khám và xác định nguyên nhân gây đau quặn bụng cho bé.

Chúc chị và bé khoẻ mạnh!

--

Câu hỏi của phụ huynh H.T.L nhà ở Quảng Ninh: Thưa bác sĩ! Em muốn hỏi là con em hiện tại được 8 tháng tuổi. Do không để ý nên bé đã bị ngã từ trên giường xuống. Lúc mới ngã xong thì không thấy bé chảy máu mũi gì chỉ thấy đỏ mũi thôi, nhưng khoảng nửa tiếng sau thì thấy máu chảy ra cùng với nước mũi (bé đang bị cảm) loãng. Đã lau sạch rồi 1 lúc sau vẫn bị thì xin hỏi bác sĩ là tình trạng như vậy có nguy hiểm không ạ?

Trả lời: Chào chị, Chảy máu mũi sau chấn thương có thể là do va đập trực tiếp vào vùng mũi hoặc nguy hiểm hơn là chảy máu từ trong sọ. Bác sĩ cần thêm một số thông tin như bé chị ngã từ trên giường cao khoảng bao nhiêu cm? Lượng máu chảy ra như thế nào? Có triệu chứng nào khác kèm theo như ói ọc, ngủ li bì… cũng như thăm khám để xác định chảy máu mũi này do đâu.

Chị có thể đưa bé đến khám tại phòng khám Ngoại khoa Điều trị trong ngày để Bác sĩ có thể trực tiếp thăm khám và đưa ra hướng xử trí phù hợp cho bé.

Chúc chị và bé khoẻ mạnh!

---

Quý phụ huynh có thể xem những giải đáp thắc mắc về sức khỏe của con em mình hàng tuần qua chuyên mục “Trả lời câu hỏi thường gặp” trên trang web Bệnh viện Nhi Đồng 1 http://www.nhidong.org.vn

BSCK2 Phan Ngọc Duy Cần
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"