Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 9:52, 13/12/2019
461 lượt đọc

Trả lời câu hỏi về sức khỏe của phụ huynh kỳ 60 - Chuyên đề Nhi khoa tổng quát

Thiếu men G6PD, vết bầm máu, khò khè, viêm phổi … ở trẻ em luôn được các vị phụ huynh quan tâm, chuyên mục trả lời câu hỏi thường gặp kỳ này BSCK1 Nguyễn Đông Bảo Châu – Bác sĩ Nhi khoa tổng quát sẽ trả lời thắc mắc của phụ huynh về các vấn đề trên.

BSCK1 Nguyễn Đông Bảo Châu - Chuyên khoa Nhi tổng quát

Câu hỏi của phụ huynh D.T.V nhà ở Kiên Giang: Thưa bác sĩ bé em hơn 6 tuổi, trên người bé hay có những vết bầm do va chạm vào các vật trong nhà và ở trường học. Bé bị lâu lắm, vết bầm xanh và tím mới hết mà đụng nhẹ cũng bị ạ rất nhiều. Nhiều nhất là hai chân bé. Cho em hỏi bé bị bệnh gì ạ.

Trả lời: Chào em! Việc bầm da do va chạm ở lứa tuổi của cháu rất dễ xảy ra khi mà da trẻ em vốn mỏng manh hơn da người lớn nên có thể những va chạm nhẹ với các vật dụng trong nhà hay lớp học cũng có thể dễ gây ra vết bầm máu. Tuy nhiên nếu những mảng bầm máu xuất hiện một cách tự nhiên không do va chạm, hoặc do va chạm nhẹ nhưng vẫn gây ra các mảng bầm máu lớn thì em nên đưa cháu đi khám để đánh giá toàn diện vấn đề đông cầm máu của trẻ, xem tình trạng của trẻ có liên quan đến những bệnh lý huyết học gây ra xuất huyết hay khó cầm máu hay không nhé! Trân trọng.

--

Câu hỏi của phụ huynh T.L.P.P nhà ở Hậu Giang: Con em bị bệnh thiếu men G6PD mà em đang dùng kẹo mầm lúa mạch có chứa thành phần mầm đậu nành. Vậy em cho con em bú có sao không Bác sĩ?

Trả lời: Chào em! Con em bị thiếu men G6PD, nếu cho con bú, em cần tránh ăn các loại thực phẩm giống như trẻ thiếu men G6PD cần tránh. Trong thành phần kẹo em dùng có liên quan đến đậu nành có chứa chất oxy hoá vì vậy khi dùng kẹo này em không nên cho con bú, hoặc nói cách khác nếu em cho con bú thì không nên dùng loại kẹo này. Trân trọng./.

--

Câu hỏi của phụ huynh H.T.T: Thưa bác sĩ con em được 17 tháng tuổi nhưng một tháng nay bé bị khò khè khó thở và chảy nước mũi, ban đêm thì rất khó ngủ thở mạnh nghe như tiếng ngáy đi khám thì bác sĩ nói bé bị viêm tiểu phế quản cấp cho thuốc uống bớt nhưng 2 tuần sau bé bị lại. Cho em hỏi bé như vậy có phải bị viêm phế quản không hay bé bị gì khác và giờ em phải làm sao ? Mong bác sĩ tư vấn giúp em. Em cám ơn ạ.

Trả lời: Chào em! Khò khè ở trẻ 17 tháng tuổi có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, một trong số đó thường gặp có thể là Viêm tiểu phế quản. Trẻ bị khò khè lại sau đợt Viêm tiểu phế quản trước 2 tuần cũng có thể là trẻ đã bị một đợt Viêm tiểu phế quản mới gây ra do nhiều yếu tố nguy cơ ở xung quanh ta như thời tiết, khói bụi, ô nhiễm, khói thuốc lá, trẻ bị lây bệnh từ người lớn hay trẻ khác,… Để xác định chính xác trẻ khò khè do nguyên nhân gì em cần đưa trẻ đi khám Bác sĩ để có chẩn đoán và hướng xử trí thích hợp nhé. Trân trọng./.

--

Câu hỏi của phụ huynh K.H.B nhà ở Phú Yên: Em chào Bác sĩ ạ. Trường hợp là em có đứa em gái mới đẻ, khi mới chào đời bé đã có biểu hiện khó thở nhưng sau khi đẻ 7 ngày được về nhà thấy tình trạng bé nặng và sốt nên đưa bé đi nhập viện, thì được chuyển lên tuyến tỉnh, Bác chẩn đoán là viêm phổi. Chữa được hơn 2 tuần thì cho bé về, sau đó 7 ngày bé lại số́t cao, đi nhập viện ở huyện thì chỉ được chữa triệu chứng sốt. Đến nay thì bé vẫn cứ khó thở, vào mỗi sáng là bé thở khó nặng nhất, nghe như tiếng ngáy luôn. Em có đọc vài tài liệu bảo là viêm phổi tái đi tái lại mà không được chữa trị dứt điểm thì sẽ xảy ra rất nhiều biến chứng. Bác cho em hỏi là : viêm phổi chữa khoảng bao lâu thì hết, như tình trạng của bé nhà em thì có nên đi nhập viện nữa không ạ? Bé vừa mới tròn 3 tháng tuổi ạ.

Trả lời: Chào em! Viêm phổi thông thường ở giai đoạn sơ sinh điều trị kháng sinh ít nhất là khoảng 14 ngày, sau giai đoạn sơ sinh thì thời gian điều trị kháng sinh cho viêm phổi thông thường khoảng 10 ngày. Tuy nhiên thời gian thực tế cần để điều trị Viêm phổi không cố định như những con số trên mà tuỳ thuộc chủ yếu vào tình trạng của cháu bé, mức độ đáp ứng thuốc kháng sinh nên thời gian hoàn toàn có thể dài hơn. Còn tình trạng viêm phổi tái đi tái lại có nhiều yếu tố nguy cơ ảnh hưởng như từ môi trường, khói thuốc lá, ô nhiễm, thời tiết, trẻ lây bệnh từ người lớn,… Để chẩn đoán xác định và có hướng xử trí hoặc có cần phải nhập viện hay không thì em cần đưa cháu đi khám Bác sĩ chuyên khoa Nhi ngay nhé. Trân trọng.

--

Câu hỏi của phụ huynh L.H.T.V nhà ở Tây Ninh: Bác sĩ ơi cho em hỏi bé nhà em được 4 tháng, qua nay bé ho với sổ mũi mẹ em mua thuốc với siro ho pha lại cho bé uống, không pha thêm nước nóng có đúng ko ạ.

Trả lời: Chào em! Trẻ 4 tháng tuổi bị ho, sổ mũi thì gia đình tuyệt đối không tự mua thuốc cho cháu uống mà phải đưa cháu đi khám Bác sĩ chuyên khoa Nhi để có chẩn đoán và xử trí thích hợp. Về việc pha thuốc cho cháu uống em có thể pha thêm một ít nước ấm đun sôi để nguội để thuốc dễ hoà tan và dễ uống hơn cho cháu bé. Trân trọng.

--

Câu hỏi của phụ huynh N.H nhà ở Bình Phước: Bé nhà em từ khi bị sốt viêm họng đến nay được 2 tuần. Tuần bé bị sốt ngày đầu tiên, đầu chỉ hầm hầm bé đi cầu phân sệt, 1 lần trong ngày. Đến ngày thứ 2 bé uống thuốc viêm họng do bác kê thì ngày đi 2 lần phân hơi lỏng, bé uống 1 tuần thì đi 2 lần, hết thuốc bé đi 1 lần trong ngày, phân sệt như bột em bé. Hoặc lỏng hơn bột em bé một xíu, bác cho em hỏi bé bị như vậy có nguy hiểm không , là do đâu mới bị như vậy ạ? Bé nhà em 33 tháng, đang uống sữa Pediasure vào buổi tối khi ngủ, uống sữa tươi ban ngày .

Trả lời: Chào em! Bé nhà em tiêu lỏng nhẹ có thể do tác dụng phụ của một số loại thuốc khi điều trị Viêm họng, tuy nhiên em không cần quá lo lắng khi tình trạng tiêu lỏng của con em chỉ là nhẹ, dừng lại ở tiêu lỏng khoảng 2 lần/ngày, việc cần làm là em cần bổ sung nước điện giải (Oresol) cho con trong những ngày có tiêu lỏng. Sau khi ngưng thuốc thì bé chỉ đi tiêu một lần/ngày, phân sệt, vàng thì không phải là dấu hiệu nguy hiểm em nhé. Trân trọng.

--

Câu hỏi của phụ huynh B.T.T.V nhà ở Quận 12: Dạ em xin chào bác sỹ, con trai tôi sinh lúc 37 tuần 3 ngày được 2.5kg. Hiện nay cháu được 3 tháng 25 ngày. Nặng 7.8kg, cao 65cm. Cháu chưa biết lẫy nhưng để nằm sấp cháu ngóc đầu rất cao nghiêng qua lại nhìn và thích thú. Cháu thích ẵm ngồi và đứng (ẵm cho đứng chân bằng và thẳng). Điều tôi lo lắng hiện nay là cháu rất ít hóng chuyện và ít cười. Thỉnh thoảng Cháu chỉ nói gừ gừ một mình, cháu chỉ quan sát. Khi có người nói chuyện cháu cười lại thôi. Thưa bác sĩ, liệu con tôi có bị sao không?

Trả lời: Chào bạn! Về sự phát triển thể chất và vận động của cháu bé gần như là bình thường với những gì bạn đã mô tả. Về sự phát triển tâm thần còn quá sớm để khẳng định cháu có vấn đề gì bất thường. Bạn có thể đưa cháu đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 để kiểm tra tổng quát, đánh giá sự phát triển tâm vận cũng như vấn đề về thính lực của cháu. Nếu mọi thứ bình thường bạn có thể yên tâm về theo dõi tiếp về tình trạng phát triển tâm vận của cháu. Trân trọng.

--

Câu hỏi của phụ huynh P.T.H nhà ở Quận 2: Chào bác, bé nhà cháu được 6 tháng 5 ngày tuổi ăn khoảng 5 ngày nay cháu có cho bé ăn dặm bột ngọt nhưng bé không chịu ăn cứ cho bé ăn là bé nhả ra và khóc và cháu cũng thấy bé có đi ngoài hơi khó ạ. Dạ còn thêm một điều này nữa ạ là từ khi bé 3 tháng là bé không bú mẹ nữa bú sữa ngoài hoàn toàn cháu có thấy là bé đi ngoài phân có mùi hôi lắm. Bé chỉ uống sữa mà phân có mùi vậy là có bình thường không ạ dạ xin cảm ơn ạ.

Trả lời: Chào em! Tập cho trẻ ăn dặm có nguyên tắc sau đây: ăn từ ít đến nhiều, từ loãng đến đặc. Em nên tập khởi đầu cho trẻ quen dần từ bột loãng 5% lượng ít, rồi đặc dần và tăng dần về số lượng để hệ tiêu hoá của trẻ thích ứng dần với việc ăn dặm, từ đó trẻ sẽ được tập quen dần với việc ăn. Phân có mùi hôi có thể do em bé uống sữa công thức, bên cạnh đó đi tiêu khó cần thêm thông tin về tính chất phân và thói quen đi tiêu của trẻ để chẩn đoán xác định Táo bón hoặc chỉ đơn giản là Rối loạn đi tiêu, em nên cho con đi khám Bác sĩ Tiêu hoá Nhi để có chẩn đoán xác định hướng xử trí nhé. Trân trọng.

---

Quý phụ huynh có thể xem những giải đáp thắc mắc về sức khỏe của con em mình hàng tuần qua chuyên mục “Trả lời câu hỏi thường gặp” trên trang web Bệnh viện Nhi Đồng 1 http://www.nhidong.org.vn

BSCK1 Nguyễn Đông Bảo Châu
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"