Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 16:16, 6/11/2019
5840 lượt đọc

Trả lời câu hỏi về sức khỏe của phụ huynh kỳ 56 - Chuyên đề Men G6PD, huyết học

Men G6PD được viết tắt từ cụm từ Glucose-6 Phosphate Dehydrogenase, là một men giữ vai trò quan trọng trong sự chuyển hóa của tế bào hồng cầu. Khi thiếu men này, quá trình chuyển hóa bị ngưng trệ và hồng cầu trở nên dễ vỡ. Bệnh thiếu men G6PD là một Bệnh di truyền trên nhiễm sắc thể giới tính X nên thường xảy ra ở bé trai, xảy ra ở bé gái trong trường hợp đồng hợp tử. Khi bé lập gia đình bé sẽ truyền gen bệnh cho con gái. Chuyên mục sức khỏe kỳ này, ThS. BS Trần Ngọc Kim Anh – Bác sĩ chuyên khoa Sốt xuất huyết – Huyết học sẽ trả lời thắc mắc của quý phụ huynh về men G6PD, huyết học.

ThS. BS Trần Ngọc Kim Anh – Bác sĩ chuyên khoa Sốt xuất huyết – Huyết học

Câu hỏi của phụ huynh L.V.T: Bé nhà em sinh mổ nặng 3,3 kg có sàng lọc sau sinh chuẩn đoán bé thiếu men G6PD (bé đạt chỉ số 0,8 còn của tiêu chuẩn là 2,2) em lo quá nhờ bác sĩ tư vấn dùm có khi nào chẩn đoán sai không ạ, cách điều trị thế nào ạ? Và bé có phát triển bình thường không, bé sinh được 25 ngày tuổi tăng 1kg.

Câu hỏi của phụ huynh P.T.N nhà ở Tiền Giang: Bé sàng lọc sơ sinh có nguy cơ cao về G6PD. Vậy bé có bị nguy hiểm không ạ? Điều trị và nên đưa bé đi đâu khám vậy bác sĩ, bé cần tránh những gì và nuôi bé ra sao?

Câu hỏi của phụ huynh D.N.L: Kính gửi Bệnh viện Nhi Đồng, Bé nhà em được 21 tháng tuổi bị mắc chứng thiếu men G6PD phải kiêng tất cả các loại đậu và một số thuốc, em muốn hỏi là phát hiện sớm có chữa được không, hoặc cho bé tẩm bổ gì đc ko ạ?

Trả lời: Câu hỏi của phụ huynh L.V.T và P.T.N, D.N.L được bác sĩ trả lời như sau: Nếu muốn xác định chắc chắn bé có phải bị thiếu men G6PD hay không nên cho bé đến các cơ sở y tế chuyên sâu để kiểm tra. Những trẻ thiếu men G6PD đều phát triển bình thường như những trẻ khác, hầu hết không cần điều trị gì. Bé được chăm sóc như những trẻ bình thường khác. Bé cần tránh một số thức ăn từ đậu và thận trọng khi sử dụng thuốc (bé nên được đi khám khi có bệnh và phải thông báo cho bác sĩ biết bé có thiếu men G6PD để hạn chế sử dụng một số loại thuốc). Phát hiện sớm nhằm tránh các yếu tố khởi phát bệnh (gây ra tình trạng tán huyết, vàng da). Trân trọng./.

--

Câu hỏi của phụ huynh N.T.C: Kính gửi bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng. Bé nhà em sinh tại Bệnh viện Từ Dũ, theo xét nghiệm tại bệnh viện Từ Dũ thì bé bị thiếu G6PD với chỉ số 2,1 (bình thường > 2,2 U/gHb). Vậy cho tôi xin hỏi là bé nhà tôi thiếu G6PD mức độ như thế nào ạ! Xin cảm ơn bác sĩ.

Trả lời: Chào bạn. Theo thông tin mình đưa, bé nhà bạn thiếu men G6PD mức độ nhẹ. Trân trọng kính chào./.

--

Câu hỏi của phụ huynh T.M.T: Chào bác sĩ! Con tôi lúc mới sinh ra bệnh viện Từ Dũ xét nghiệm cho biết bé bị bệnh thiếu men G6PD tỷ lệ là 2.2 (hiện giờ cháu được 2,5 tháng tuổi cao 6,1 cm nặng 6.3 kg) xin bác sĩ cho biết các vấn đề sau:

- Bệnh thiếu men này khi lớn có phát triển nặng thêm kg nếu mình kiêng cữ thuốc và thức ăn theo huớng dẫn và di truyền như thế nào khi cháu lập gia đình (con trai)?

- Và có cần khám định kỳ cho cháu không, nếu khám thì khám ở đâu?

Trả lời: Chào bạn. Trẻ thiếu men G6PD gần như không có triệu chứng, và hầu hết không cần điều trị gì và phát triển như những trẻ bình thường khác. Cần tránh các loại thức ăn từ đậu và một số loại thuốc (con của bạn nên được đi khám khi có bệnh và phải thông báo cho bác sĩ biết bé có thiếu men G6PD để hạn chế sử dụng một số loại thuốc) là các yếu tố có thể khởi phát bệnh (tình trạng tán huyết). Trân trọng./.

--

Câu hỏi của phụ huynh N.T.N.T.T nhà ở Dĩ An, Bình Dương: Em bị thiếu máu thể nhẹ khi kết hôn với chồng không bị thiếu máu, khi sinh 2 bé đều bị thiếu máu ở thể nhẹ bé 4 tuổi và bé 1 tuổi, em muốn xác định xét nghiệm cho 2 bé thì làm sao, chi phí bao nhiêu em cảm ơn?

Trả lời: Mẹ có thể đưa bé đến bệnh viện chuyên khoa nhi hoặc huyết học để được tư vấn và làm xét nghiệm cho 2 bé. Tùy từng trường hợp các bé sẽ làm các xét nghiệm khác nhau từ các xét nghiệm thường quy đến các xét nghiệm về gen nếu cần thiết. Chi phí có thể thay đổi, do vậy mẹ nên cho các bé đến bệnh viện để được tư vấn cụ thể từng trường hợp. Trân trọng./.

--

Câu hỏi của phụ huynh L.T nhà ở TPHCM: Con em được 3 tháng tuổi, lúc mới sinh bé được 3,2 kg, bây giờ bé được 7,5 kg. Khi sinh bé được chẩn đoán bị nhiễm trùng máu truyền từ mẹ qua con, sau đó bé đã được tiêm kháng sinh 5 ngày liên tiếp thì cho về. Nhưng gần đây trên chân bé đột nhiên xuất hiện các vết bầm bằng hạt đậu từ cẳng chân đổ xuống được 1 tuần thì dấu hiệu mờ đi một xíu nhưng vẫn còn. Bé vẫn ăn ngủ bình thường không quấy khóc. Mọi người nói với em đây là dấu hiệu của bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu, không biết có đúng không ạ? Xin bác sĩ cho em lời khuyên.

Trả lời: Chào bạn. Nhiều bệnh với những mức độ xuất huyết khác nhau. Xuất huyết do rất nhiều nguyên nhân, và xuất huyết giảm tiểu cầu chỉ là 1 trong những nguyên nhân gây ra tình trạng xuất huyết. Do vậy, bé cần được đưa đi khám để được đánh giá mức độ xuất huyết và làm các xuất nghiệm để chẩn đoán nguyên nhân gây ra xuất huyết. Trân trọng./.

---

Quý phụ huynh có thể xem những giải đáp thắc mắc về sức khỏe của con em mình hàng tuần qua chuyên mục “Trả lời câu hỏi thường gặp” trên trang web Bệnh viện Nhi Đồng 1 http://www.nhidong.org.vn

ThS. BS Trần Ngọc Kim Anh
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"