Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 9:0, 3/6/2019
271 lượt đọc

Trả lời câu hỏi về sức khỏe của phụ huynh kỳ 32 - Chuyên đề Tai Mũi Họng

Viêm V.A, amiđan, chảy máu cam, viêm tai giữa, nghe kém là những bệnh thường gặp về tai mũi họng ở trẻ nhỏ. Để hiểu biết hơn về những bệnh này BSCK2 Phạm Đoàn Tấn Tài – Chuyên khoa Tai Mũi Họng Nhi sẽ trả lời một số thắc mắc của phụ huynh về bệnh lý này.

BSCK2 Phạm Đoàn Tấn Tài - Chuyên khoa Tai mũi họng

Câu hỏi của phụ huynh N.H.K: Bác sĩ cho con hỏi. Con của con 4 tuổi bị chảy máu mũi bên trái khoảng 1 - 2 tháng bị chảy 1 lần. Vậy cho con hỏi việc chảy máu có sao hay có ảnh hưởng gì hôm Bác?

Trả lời: Chào bạn:

   - Chảy máu mũi là một cấp cứu thường gặp trong Tai Mũi Họng. Chảy máu mũi có rất nhiều nguyên nhân từ tại chỗ, nguyên nhân toàn thân, đến nguyên nhân do di truyền và cũng có nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ tới nặng.

   - Tuy nhiên, chảy máu mũi ở trẻ em là tình trạng thường gặp, thường lành tính, chảy máu lượng ít, vài giọt máu tươi ở cửa mũi và thường tự cầm. Tình trạng này có thể lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi dậy thì. Nếu bé chỉ chảy máu thỉnh thoảng vài tháng 1 lần, lượng ít thì gia đình không quá lo lắng. Nhưng nếu bé tái phát thường xuyên, hoặc dễ có các vết bầm máu tay chân khi va chạm nhẹ thì nên đến bệnh viện để loại trừ các nguyên nhân khác.

Trân trọng kính chào./.

--

Câu hỏi của phụ huynh P. T. N nhà ở Đồng Tháp: Chào bác sĩ, bé nhà em 33 tháng tuổi. Bé bị khàn tiếng khoảng 1 tháng em đã thăm khám nhiều nơi nhưng vẫn không khỏi. Em cho bé nội soi mũi họng kết quả bé bị viêm VA . bội nhiễm . nhầy ở mũi và họng . đã điều trị theo bệnh viện được 2 tuần nhưng vẫn y vậy không khỏi. Xin bác sĩ cho em lời khuyên. thank ạ

Trả lời: Chào bạn.

   - Khàn tiếng là tình trạng dây thanh khép không kín khi nói, nguyên nhân thường do phù nề cấp tính hoặc có nang dây thanh, hạt dây thanh hay polyp dây thanh.

   - Bệnh lý VA có thể làm cho nhày mũi chảy xuống thanh quản gây ho và ho nhiều cũng là nguyên nhân làm tổn thương phù nề hoặc tạo hạt dây thanh âm gây khàn tiếng không đáp ứng với thuốc uống.

   - Việc tìm ra nguyên nhân chính xác của khàn tiếng cần nội soi ống mềm mũi đánh giá VA, đánh giá mức độ tổn thương và các bệnh tích trên dây thanh âm. Ở trẻ lớn còn có thể soi hoạt nghiệm dây thanh giúp xác định sự rung động của sóng niêm mạc dây thanh và phát hiện sự rối loạn giọng.

   - Tuy nhiên, trẻ nhỏ khàn tiếng kéo dài, thường do trẻ dùng giọng nói quá nhiều (tức là nói quá to, hay la hét hoặc nói quá nhiều) gây phù nề dây thanh. Điều chỉnh lại thói quen của trẻ (hạn chế tối đa la hét, nói ít lại, nói không quá to) thường sẽ cải thiện khàn tiếng. Thực hiện thay đổi này khoảng 1 tháng và nên đưa đến bác sĩ đánh giá lại.

   - Nếu cháu bé có bệnh lý VA phải điều trị dứt điểm VA, tập thói quen giữ gìn giọng nói, nếu không cải thiện thì nội soi thanh quản kiểm tra và điều trị nguyên nhân.

Trân trọng kính chào./.

--

Câu hỏi của phụ huynh T.T.P.N nhà ở Khánh Hòa: Chào bác sĩ! Bác cho em hỏi là bé nhà em được 28 tháng bị viêm Amydal quá phát gây khó thở khi ngủ, vậy cháu có thể cắt Amydal được không ah?

Trả lời: Chào bạn. Amidan và VA là 2 trong số các cơ quan tạo miễn dịch cho cơ thể, vì thế cần hạn chế phẫu thuật nếu chưa có chỉ định bắt buộc. Tuy nhiên, nếu bé đã được bác sĩ Tai Mũi Họng chẩn đoán chính xác việc khó thở khi ngủ là do Amidan quá phát thì chỉ định phẫu thuật là cần thiết. Ngoài ra, bé 28 tháng tuổi bị khó thở khi ngủ, cần tầm soát thêm bé có bị “quá phát VA” hay không?

Trân trọng./.

--

Câu hỏi của phụ huynh N.V.L nhà ở Bình Dương: Chào bác sĩ, con em được 5 tuổi nhưng bị viêm Amidam dẫn đến sốt hoài, em mong muốn bác sĩ có thể chỉ cho em biết làm thế nào trị hết không? Và đi bệnh viện nào là tốt nhất, em cám ơn nhiều.

Trả lời: Chào bạn.

   - Trẻ 5 tuổi bị viêm amidan quá phát nhiều lần nên đến khám bác sĩ tai mũi họng nhi để được đánh giá và điều trị nội khoa tích cực.

   - Nếu đã được điều trị đúng và đủ mà vẫn tái phát trên 7 đợt viêm amidan cấp/ 1 năm thì bé có chỉ định cắt Amidan.

   - Bệnh viện Nhi đồng 1 có đầy đủ trang thiết bị hiện đại và đội ngũ bác sĩ Tai Mũi Họng, bác sĩ gây mê có kinh nghiệm để cắt amidan cho con bạn, bạn nhé!

Trân trọng kính chào./.

--

Câu hỏi của phụ huynh V.T.L nhà ở Củ Chi, TpHCM: Chào bác sĩ ! Cho em hỏi con em gần 3 tháng bị lác đồng tiền, làm sao để chữa khỏi, có thể thoa kem nizoral được không ạ ? bé bị đẹn lưỡi, em rơ lưỡi thường xuyên cho bé nhưng không khỏi, trong lưỡi ngoài những mảng trắng thì có những vết loan lỗ ló phần lưỡi ra ạ, nhờ bác sĩ tư vấn giúp. bé bị viêm tai chảy mủ cách đây 1 tháng lúc đó em ở quê đi khám bác sĩ bảo bị viêm tai giữa, cho thuốc uống 5 ngày thì tai bé khô mủ, nhờ bác sĩ tư vấn giúp bệnh này có khả năng bị tái phát ko ạ, do cách đây 1 tuần em thấy bé lắc đầu lia lịa, rất nhanh và mạnh và đập mạnh đầu sang phía tai bị đau trước đó, hai ba ngày nay thì ko còn hiện tượng lắc đầu nữa nhưng bé lại hay quấy khóc, em kiểm tra tai bị đau trước đó thì thấy ráy tai nhiều hơn hẳn tai còn lại. Em cảm ơn !

Trả lời: Chào bạn.

   - Lác đồng tiền: có thể thoa nizoral

   - Bé bị đen lưỡi: đây là tình trạng thường gặp ở trẻ và lành tính, nên thường xuyên vệ sinh lưỡi cho trẻ (rơ lưỡi, cho uống thêm ít nước sau bú, …), nếu tình trạng này còn kéo dài thì nên đi khám bác sĩ để thêm thuốc cho trẻ.

   - Viêm tai giữa ở trẻ em thường dễ bị tái phát và đa số là do viêm mũi họng hoặc trào ngược gây ra. Tình trạng của mẹ than phiền gợi ý rất nhiều tình trạng viêm tai giữa tái phát. Bé nên được đi khám và đánh giá chính xác tình trạng viêm tai giữa tái phát.

Trân trọng kính chào./.

--

Câu hỏi của phụ huynh H.T.T.L nhà ở Tiền Giang: Chào bác sĩ, con tôi được 23 tháng tuổi, bị sưng rò nhĩ T, đã được điều trị hết sưng, ngày 16/04/19 tôi có lên bv để khám lại, bác sĩ hẹn sáng ngày 19/04/19 sẽ mổ, nhưng khuya + sáng ngày 18/4/19 con tôi có dấu hiệu nôn ói, ra nhớt, xin cho tôi hỏi bé có bị sao ko, và bé có thể mổ vào ngày 19/04/19 không ạ?

Trả lời: Chào bạn. Dò luân nhĩ là bất thường bẩm sinh và thường không nguy hiểm. Nếu lỗ dò sưng to do nhiễm trùng thì nên mổ. Trường hợp của bé bị nôn ói ra nhớt thì có thể là do rối loạn tiêu hóa, nhiễm trùng đường ruột, … tình trạng này thường phải phải hoãn mổ để điều trị hết bệnh lý đường tiêu hoá trước khi hẹn lịch phẫu thuật lại.

Trân trọng kính chào./.

--

Câu hỏi của phụ huynh N.H.N: Bác sĩ cho hỏi con em lúc mới sinh ra bác sĩ bệnh viện đo 2 tai nghe rõ bình thường Sao 1 tháng quay lại tái khám thì bên phải nghe rõ bên trái nghe yếu chập chờn và nay được 2 tháng quay lai khám vẫn không được kết quả tốt. Bác sĩ có cách nào tư vấn giúp em Không ạ cảm ơn.

Trả lời: Chào bạn.

   - Hiện nay, tầm soát khiếm thính sơ sinh được thực hiện theo mô hình 1-3-6 tức là tầm soát ngay sau sinh, chẩn đoán lúc 3 tháng và can thiệp lúc 6 tháng.

   - Không rõ, con bạn được tầm soát nghe kém ở đâu? Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, nghiệm pháp tầm soát nghe kém cho trẻ bao gồm đo âm ốc tai và đo thính lực trường tự do, qua đó các bác sĩ sẽ tìm ra những bé nghi ngờ nghe kém để xác định ngưỡng nghe.

   - Con bạn có kết quả tầm soát chưa tốt thì sẽ được hẹn tầm soát lại sau 1 tháng. Kết quả này chưa khẳng định con bạn bị nghe kém nên bạn hãy yên tâm thực hiện theo lịch hẹn.

   - Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kết quả tầm soát như bé bị khò khè, có ráy tai, … nên khi đưa trẻ đến tái khám thính lực thì trẻ phải khoẻ và ráy tai sạch.

Trân trọng kính chào./.

--

Câu hỏi của phụ huynh Đ.C.T nhà ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre: Cho tôi hỏi. con trai tôi được 22 tháng tuổi bị chảy mủ lỗ tai, đi khám ở Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu bác sĩ chuẩn đoán bị viêm tai giữa cấp, cho làm thuốc tai và hút mủ. Đến nay được 3 ngày nhưng vẫn còn mủ. Cho hỏi như vậy có chuyển biến tốt gì không?có nên đợi uống hết thuốc rồi xem kết quả không?Xin cám ơn.

Trả lời: Chào bạn:

    - Tình trạng của bé nên được bác sĩ xem lại và xác định đây là mủ cũ còn đọng lại hay mủ mới, ngoài ra cũng cần xem xét thêm thuốc và liều thuốc bé đang dùng đã phù hợp chưa.

    - Ngoài uống thuốc đúng và đủ liều, bé còn cần được bơm rữa tai hàng ngày thì thuốc nhỏ vào mới đến được cơ quan đích. Cháu còn phải được loại trừ các bệnh lý trào ngược, bệnh lý đường hô hấp dưới nếu có thì mới mau có kết quả tốt.

Thân chào./.

---

Quý phụ huynh có thể xem những giải đáp thắc mắc về sức khỏe của con em mình hàng tuần qua chuyên mục “Trả lời câu hỏi thường gặp” trên trang web Bệnh viện Nhi Đồng 1 http://www.nhidong.org.vn

BSCK2 Phạm Đoàn Tấn Tài
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"