Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 11:28, 25/4/2019
13949 lượt đọc

Trả lời câu hỏi về sức khỏe của phụ huynh kỳ 26

Phần lớn trẻ sơ sinh sau sanh vài ngày (3-5 ngày) có vàng da, đây là hiện tượng sinh lý bình thường do các hồng cầu thai nhi bị phá huỷ để được thay thế bằng hồng cầu trưởng thành. Khi hồng cầu bị vỡ sẽ phóng thích vào máu một lượng lớn chất có sắc tố vàng tên gọi là bilirubin làm cho trẻ bị vàng da. Đa số các trường hợp vàng da ở trẻ sơ sinh thường nhẹ và tự khỏi sau 7 đến 10 ngày do chất bilirubin được đào thải qua phân và nước tiểu. Tuy nhiên có một số trường hợp vàng da nặng do chất bilirubin tăng quá cao sẽ thấm vào não (tên y học gọi là vàng da nhân) gây nguy hiểm làm cho trẻ bị hôn mê, co giật, có thể gây tử vong hoặc di chứng về tâm thần vận động vĩnh viễn. ThS. BS Nguyễn Thị Anh Tiên – Chuyên khoa sơ sinh sẽ giải đáp thắc mắc của quý phụ huynh về những vấn đề liên quan đến vàng da sơ sinh cũng như chăm sóc trẻ sơ sinh.

ThS. BS Nguyễn Thị Anh Tiên - Chuyên khoa sơ sinh

   Câu hỏi của phụ huynh B.D.T nhà ở Cần Thơ: Chào bác sĩ. Bé gái nhà em sanh 38W6d nặng 3k2, bú mẹ hoàn toàn, sau sanh e có làm sàng lọc sơ sinh kết quả bình thường, bé bị vàng davàng mắt, sau 3 tuần không hết bé có nhập viện Nhi Đồng Cần Thơ chiếu đèn 1 tuần, xét nghiệm Bilirulin giảm dưới 300, men G6PD 159, về nhà vàng da vẫn còn, bé ăn bú, ngủ bình thường, em có phải cho bé khám lại không ạ.

   Trả lời: Chào bạn. Bé sơ sinh bị vàng da sau sinh nên được khám càng sớm càng tốt, để bác sĩ đánh giá mức độ vàng da và xem có cần thiết phải nhập viện chiếu đèn hay không, tránh gây ảnh hưởng não bé (vàng da nhân). Em bé của bạn đã vàng da kéo dài hơn 3 tuần rồi, bạn nên đi khám chuyên khoa sơ sinh để loại trừ các nguyên nhân bệnh lý gây vàng da kéo dài. Nếu bé chỉ bị vàng da do sữa mẹ thì bạn có thể yên tâm, con bạn sẽ còn vàng da kéo dài một thời gian nữa.

Bạn ghi kết quả G6PD là 159, không ghi rõ đơn vị là gì, kết quả tùy theo loại máy và đơn vị sử dụng, hiện tại kết quả bình thường của xét nghiệm này là 7- 20,5 U/gHb.

   Trân trọng kính chào./.

--

   Câu hỏi của phụ huynh L.N.Y nhà ở Quận 7: Chào bác sĩ. Bé sơ sinh nhà em được 3 tuần tuổi, khi ngủ bé thường hay bị giật mình, khóc thét lên, về đêm có dỗ cách nào bé cũng không chịu ngủ. Cho em hỏi bé bị như thế này có phải đi khám bệnh không ạ? Nếu có, cho em hỏi xin hẹn lịch khám như thế nào?

   Trả lời: Chào bạn. Trẻ sơ sinh không có lịch trình ngủ cố định. Trung bình, trẻ 1 tháng tuổi ngủ khoảng 15-16 giờ mỗi ngày. Đồng hồ sinh học của trẻ ở độ tuổi này chưa được thiết lập nên bé sẽ không phân biệt được ngày đêm. Nhiều bé sẽ ngủ ngày và thức đêm, nên mẹ không cần phải cố để ru bé ngủ ban đêm, cơ thể bé sẽ tự điều chỉnh một thời gian sau đó.

   Giật mình là một phản xạ bẩm sinh. Hầu như bé sơ sinh nào cũng thường có hiện tượng giật mình trong những tháng đầu. Việc giật mình chỉ xảy ra nhanh chóng trong vài giây, sau đó bé sẽ có thể ngủ lại. Nếu lo lắng, mẹ có thể đăng ký khám chuyên khoa sơ sinh (phòng khám B23 hoặc khám theo hẹn phòng 2.3 khu 5A). Chúc bé vui khỏe./.

--

   Câu hỏi của phụ huynh Q.N.Đ nhà ở Đầm Dơi Cà Mau: Dạ bác sĩ cho em hỏi. Trước khi em mang thai em bị bệnh viêm gan C và men gan cao. Em đã điều trị men gan trở lại bình thường. Còn viêm gan C bác sĩ không chỉ định cho em dùng thuốc. Em vừa sanh em bé được 6 ngày. Sanh thường bé được 3100g, em thấy tròng trắng trong mắt bé hơi bị vàng và đổ hèn. Bác sĩ cho em hỏi. Bệnh viêm gan C của em có di truyền qua cho bé không? Chỉ em cách điều trị mắt bé bị vàng? Cám ơn bác sĩ.

   Trả lời: Chào bạn. Bệnh viêm gan C không phải do di truyền, mà do lây truyền từ mẹ qua em bé, tùy theo tải lượng virus trong máu mẹ, tỷ lệ lây truyền có thể dao động từ 5-70%. Bé sơ sinh 6 ngày tuổi bị vàng mắt, có thể có kèm vàng da mà mẹ không phát hiện thấy. Mẹ nên đưa bé đi khám chuyên khoa sơ sinh để được khám và tìm nguyên nhân vàng da vàng mắt. Thân mến./.

--

   Câu hỏi của phụ huynh V.N nhà ở quận 3: Chào bác sĩ! Con em sinh tại bệnh viện Từ Dũ, nặng 2,8kg, bé gái, lúc sinh là 37 tuần. Sau 3 ngày bác sĩ nói bé bị vàng da và ở lại rọi đèn. Sau 5 ngày bác sĩ cho xuất viện. Hiện tại bé được 1 tháng 20 ngày, ban đêm em thấy mặt và tay bé vàng như nghệ và hết vàng trong vài giây. Trong đêm em thấy khoảng 3 lần không kịp nhìn chân. Bé hay quặn mình, đỏ mặt. Như vậy bé bị vàng da trở lại phải không? Em phải làm gì? Em đang rất lo.

   Trả lời: Bé sơ sinh vàng da đã được chiếu đèn. Về sau này hoặc khi lớn lên, bé vẫn có thể bị vàng da do nguyên nhân khác, lúc này không còn là vàng da thường gặp như giai đoạn sơ sinh nữa, mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ. Nếu bé bị vàng da, mẹ sẽ thấy da bé vàng mọi lúc chứ không phải chỉ vàng vài giây trong đêm, mẹ nên nhìn bé dưới ánh sáng mặt trời để thấy rõ.

   Hiện tượng trẻ thường xuyên vặn mình khi ngủ cũng có thể chỉ là một biểu hiện sinh lý bình thường của trẻ trong giai đoạn dưới 3 tháng tuổi nên sẽ nhanh chóng giảm dần trong một vài tháng tiếp theo. Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh hay vặn mình và gồng mình khi ngủ: nơi ngủ không thoáng mát, quá ồn ào và nhiều ánh sáng, mẹ kiểm tra xem bé đã bú no, bỉm tả sạch khô, giường nệm êm ái, nhiệt độ phòng,... Mặt khác, tình trạng trẻ sơ sinh hay vặn mình, gồng mình cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo trẻ bị thiếu các dưỡng chất cần thiết như kẽm, canxi ... khiến bé khó ngủ. Mẹ có thể điều chỉnh điều kiện sống chung quanh bé hoặc khám bác sĩ nếu bé không cải thiện.

   Thân chào./.

--

   Câu hỏi của phụ huynh L.T.T nhà ở quận 12: Chào bác sĩ, em sinh mổ, khi cháu sinh được 3 ngày bệnh viện có chẩn đoán là vàng da sinh lý, và có chỉ định chiếu đèn. Cháu được chiếu đèn 2 ngày tại viện nồng độ Bilirubin toàn phần ban đầu là 321.7 sau khi được chiếu đèn nồng độ Bilirubin toàn phần có giảm xuống còn 213.1 bác sĩ có cho cháu xuất viện về nhà phơi nắng và uống vitamin D3 ngày 1 giọt. 

   Đến ngày 13/3 em có cho cháu đi tái khám có tiến hành siêu âm bụng và được kết luận chưa thấy bất thường đã khảo sát đường mật và túi mật, nhưng nồng độ Bilirubin lại tăng lên mức 328.1, cháu lại tiếp tục được chiếu đèn 3 ngày, sau 3 ngày chiếu đèn thì có giảm xuống 210.1 và có hẹn tái khám.

   Đến hôm nay là ngày 13/4 em cho cháu đi xét nghiệm lại thì lượng Bilirubin toàn phần lại tăng lên mức 394.4 trước đó khoảng 7 ngày em bắt đầu hút sữa và đun lên cho cháu ti và vẫn tắm nắng hàng ngày. Hiện tại với tình trạng bé như vậy em đang rất lo nhờ bác sĩ tư vấn giúp em ạ. Em cảm ơn bác sĩ nhiều.

   Trả lời: Kết quả của em chỉ ghi lượng Bilirubin toàn phần mà không ghi rõ cho bác sĩ biết Bilirubin trực tiếp và gián tiếp là bao nhiêu (có sẵn trong tờ kết quả xét nghiệm). Mẹ hâm nóng sữa cho bé bú chỉ giúp làm giảm vàng da nếu đó là vàng da do sữa mẹ. Và tắm nắng chỉ để cung cấp thêm vitamin D chứ không phải điều trị vàng da. Mẹ nên đưa bé đi khám đúng chuyên khoa sơ sinh (kèm theo kết quả xét nghiệm đã có) để bác sĩ có thể khám và tư vấn cho mẹ.

   Thân chào!

--

   Câu hỏi của phụ huynh P.H nhà ở Long An: Bác sĩ cho cháu hỏi, bé trai nhà cháu mới sinh được 4 ngày tuổi bị mắc bệnh nhiễm trùng máu, vàng da và dịch nâu trong dạ dày. Bé nhà cháu bị cháu đưa tới bệnh viện đa khoa Đắk Lắk kịp thời, bệnh nay nguy hiểm và khó chữa không bác sĩ. Cháu xin cám ơn.

   Trả lời: Chào bạn. Nhiễm trùng máu sơ sinh là bệnh nhiễm trùng gây tổn thương nhiều cơ quan kèm du khuẩn huyết (vi khuẩn lưu hành trong máu), do vi trùng từ mẹ sang con hoặc từ môi trường. Bệnh đa số có thể điều trị được bằng kháng sinh, có thể gây nguy hiểm nếu phát hiện muộn hoặc bé bị biến chứng như suy hô hấp, sốc, ...

   Trân trọng kính chào./.

--

    Câu hỏi của phụ huynh L.N.N.P nhà ở Tiền Giang:

 

   Thưa bác sĩ, cháu mới sinh em bé được 6 ngày. Rốn em bé ngoài y rốn còn 1 cục thịt thừa khá to. Vì được lau cồn và chăm c nên rốn bé đã khô, nhưng cục thịt vẫn bị chảy mủ vàng. Cháu muốn hỏi tình trạng như bé thì phải xử lý như thế nào? Và hằng ngày nhân viên y tế tắm bé, cháu thấy tắm xong rốn ướt và lại bị hở (như hình), như thế có nên hay không? Mong Bác sĩ sớm hồi đáp. Cháu cảm ơn ạ.

   Trả lời: Chào bạn. Rốn như trong hình là bé bị phì đại chân cuống rốn. Rốn chảy mủ vàng có thể bị nhiễm trùng. Mẹ nên đưa bé đi khám chuyên khoa sơ sinh để bác sĩ tư vấn cách điều trị mẹ nhé.

--

   Câu hỏi của phụ huynh N.N nhà ở Kiên Giang: Thưa bác sĩ. Cháu nhà sinh được 8 ngày tuổi thì tôi phát hiện bé bị vàng da. Khi nhập viện đo nồng độ Bilirubin là 196 mnol. Trước khi vào viện bé bú, ngủ và chơi rất tốt. Nhưng không hiểu sao sau khi được chiếu đèn 2 ngày (giảm còn 16 mnol) và bệnh viện cho xuất viện thì bé lại ngủ li bì. Không biết bé có sao không ạ. Bé mới về nhà hôm 2/4 thôi ạ. Bé nhà em không bị ảnh hưởng gì đến thần kinh phải không ạ. Em rất sợ và hoang mang. Không hiểu việc chiếu đèn điều trị vàngda có gây ảnh hưởng nào cho bé không.

   Trả lời: Chào bạn. Chiếu đèn vàng da có thể gây ra các tác dụng phụ như: tăng thân nhiệt, mất nước, hoặc mẹ thấy bé tiêu phân xanh, không gây tác dụng phụ lên não. Ảnh hưởng lên não nếu có, thường do chất vàng da (Bilirubin) gắn vào tế bào não gây tổn thương, nhưng em bé của mẹ có xét nghiệm bilirubin là 196mmol/l ở trẻ đủ tháng thì chưa đủ để gây tổn thương não.

    Thân chào./.

---

Quý phụ huynh có thể xem những giải đáp thắc mắc về sức khỏe của con em mình hàng tuần qua chuyên mục “Trả lời câu hỏi thường gặp” trên trang web Bệnh viện Nhi Đồng 1 http://www.nhidong.org.vn

ThS. BS Nguyễn Thị Anh Tiên
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"