Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 11:1, 3/4/2019
803 lượt đọc

Trả lời câu hỏi về sức khỏe của phụ huynh kỳ 23

Thiếu men G6PD, các vấn đề liên quan đến chủng ngừa, tinh hoàn ẩn, hay dính thắng lưỡi … ở trẻ em luôn được các vị phụ huynh quan tâm, chuyên mục trả lời câu hỏi thường gặp kỳ này BSCK1 Nguyễn Đông Bảo Châu – Bác sĩ Nhi khoa tổng quát sẽ trả lời thắc mắc của phụ huynh về các vấn đề trên.

BSCK1 Nguyễn Đông Bảo Châu – Bác sĩ Nhi khoa tổng quát

   Câu hỏi của phụ huynh N.L nhà ở Củ Chi: Chào bác sĩ. Bé nhà em được 21 tháng tuổi bị mắc chứng thiếu men G6PD phải kiêng tất cả các loại đậu và một số thuốc, em muốn hỏi là phát hiện sớm có chữa được không , Hoặc cho bé tẩm bổ gì được không ạ?

   Trả lời: Thiếu men G6PD là một bệnh di truyền liên kết với nhiễm sắc thể giới tính nên thông thường nam có khả năng mắc bệnh cao hơn nữ giới. Men G6PD giúp màng tế bào bền vững trước các tác nhân gây oxy hóa có trong một số thuốc, thức ăn, tác nhân bệnh truyền nhiễm. Nếu cơ thể thiếu men G6PD, màng tế bào hồng cầu sẽ kém bền vững và dễ bị vỡ trước các tác nhân gây oxy hóa. Vì liên quan đến di truyền nên hiện tại chưa có phương pháp chữa khỏi bệnh thiếu men G6PD. Khi chẩn đoán trẻ thiếu men G6PD, bạn sẽ được bác sĩ cung cấp một danh sách cần tránh các loại đậu, thực phẩm và thuốc có thể gây ra tình trạng tán huyết cho cháu mà bạn cần tuân thủ. Khi cháu bé bị bệnh thì bạn cần đưa cháu đến khám bác sĩ, thông báo cho bác sĩ về tình trạng thiếu men G6PD của cháu để dùng thuốc đúng và phát hiện sớm tán huyết nếu có. Xin chào!

--

   Câu hỏi của phụ huynh T.D nhà ở Tiền Giang: Bác sĩ cho em hỏi muốn đặt lịch khám nhi yêu cầu bác sĩ Diễm khám u cho bé thì đặt lịch sao ạ . Bé e chích ngừa nữa nên tư vấn giúp em khám u trước hay chích ngừa trước ạ?

   Trả lời: Hiện tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 chưa triển khai dịch vụ chọn bác sĩ khám, mong bạn thông cảm. Bạn nên cho cháu bé khám u trước để xem cháu bé có cần phải điều trị đặc hiệu gì trước khi đến phòng tham vấn tiêm chủng nhé. Xin chào!

--

   Câu hỏi của phụ huynh N.D nhà ở quận Gò Vấp: Chào bác sĩ, dạo này con em có triệu chứng như vùi dương vật, cần bác sỹ khám và giải thích, tư vấn tâm lý cho Bé được an tâm, và phụ huynh hiểu để chăm sóc cho bé. Cám ơn bác sĩ.

   Trả lời: Vùi dương vật là tình trạng dương vật bình thường về hình dạng và kích thước nhưng bị chôn vùi vào mô dưới da phía trước xương mu. Nguyên nhân có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải (thường do béo phì). Để xác định chính xác tình trạng vùi dương vật cũng như nguyên nhân của nó, bạn nên đưa cháu đến khám chuyên khoa Ngoại niệu Nhi để được chẩn đoán, giải thích và tư vấn cụ thể nhé. Xin chào!

--

   Câu hỏi của phụ huynh L.T.P.T nhà ở Bình Phước: Bác sĩ cho em hỏi bé nhà em được 7 tháng 2 ngày tuổi. Khi bé được 3 tháng đã chích mũi 1 của 6in1 tại địa phương, tới 3 tháng 18 ngày phát hiện bé bị tim bẩm sinh thông liên thất và thông liên nhĩ đã mổ ngày 1_12_2018. Nay e muốn chích tiếp tục cho bé được không ạ và chích vắc xin nào ạ. Bé khoẻ mạnh bình thường thỉnh thoảng ho thui ạ. Cám ơn bác sĩ.

   Trả lời: Cháu đã tiêm 1 mũi 6 trong 1 lúc 3 tháng tuổi thì cháu cần phải tiêm thêm hai mũi 6 trong 1 nữa trong năm tuổi đầu tiên và thêm mũi 6 trong 1 thứ 4 vào lúc cháu từ 16 đến 18 tháng tuổi. Bệnh tim bẩm sinh không phải là chống chỉ định tiêm chủng cho cháu. Bên cạnh các mũi vắc xin 6 trong 1 cần phải tiêm cháu còn cần tiêm thêm những vắc xin khác như: Bệnh do Phế cầu, Cúm, Não mô cầu BC, Sởi (tròn 9 tháng tuổi trở lên). Bạn nên đưa cháu đến cơ sở y tế có thực hiện tiêm chủng như Bệnh viện Nhi Đồng 1, TTYTDP,… để được tư vấn và tiêm chủng cho cháu nhé. Xin chào!

--

   Câu hỏi của phụ huynh L.V.Đ.K nhà ở Quận Tân Phú TPHCM: xin chào bác sĩ cho em hỏi là em sinh bé tại Từ Dũ 27/12/18 cân nặng 3,6 kg, cao 49 nay được 2 tháng be được 5,7 kg, cao 61. Em bị viêm gan B, nhưng sinh bé xong bé chỉ được tiêm vacxxjn viêm gan B mà không được tiêm huyết thanh. Như vậy thì bé có nhiễm viêm gan B không ạ. Và hiện tại em cần làm gì. Em cám ơn.

   Trà lời: Nếu không được tiêm huyết thanh dự phòng, trẻ sinh ra từ mẹ mắc viêm gan B có nguy cơ tiến triển thành viêm gan B mạn. Bạn nên hoàn thành liệu trình tiêm vắc xin viêm gan siêu vi B, sau đó đưa cháu đến bệnh viện để được tư vấn và xem xét làm xét nghiệm HBsAg và anti-HBs sau 1-2 tháng để kiểm tra xem cháu có nhiễm virus viêm gan B và có hình thành miễn dịch bảo vệ không nhé. Xin chào!

--

   Câu hỏi của phụ huynh L.K.B nhà ở quận 2 TPHCM: Bác sĩ cho hỏi bé nhà em sinh non (36 tuần), nay đã được 3 tháng tuổi nhưng tinh hoàn trái chưa xuống bìu. Mong bác sĩ hướng dẫn cách và nơi điều trị cho bé. Xin cảm ơn!

   Trả lời: Tinh hoàn ẩn là tình trạng tinh hoàn không nằm trong bìu và cũng không thể nhẹ nhàng ấn hay đẩy xuống vào trong bìu. Đối với tình trạng tinh hoàn ẩn thì cháu sẽ cần phải qua một cuộc phẫu thuật để đưa tinh hoàn vào trong bìu. Lứa tuổi mà cháu có thể xem xét chỉ định phẫu thuật tinh hoàn ẩn là từ 6 tháng tuổi trở lên (thông thường khoảng 11-12 tháng tuổi). Bạn nên đưa cháu đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám để được hướng dẫn theo dõi cụ thể cho tình trạng của con bạn nhé. Xin chào!

--

   Câu hỏi của phụ huynh N.Y.N nhà ở Cà Mau: Bé nhà em mới khám Nhi Đồng 1 ngày 16. Cho em hỏi bé bị chảy mủ tai gần 1 tháng uống kháng sinh nhỏ rữa tai không hết mà gần nữa năm nay bé tái đi tái lại 5-6 lần rồi. Bé chãy mủ thì màng nhĩ đã bị rách phải không ạk.vậy bé nhỏ Otifar được không ạ? Em cám ơn bác.

   Trả lời: Chảy mủ tai là tình trạng cho thấy cháu bé đã bị viêm tai giữa do vi trùng. Trong viêm tai giữa, mủ sẽ chảy ra ngoài qua một lỗ rách của màng nhĩ. Nhiễm trùng tai có chảy mủ kéo dài trong 14 ngày hoặc lâu hơn, điều này có thể làm tổn thương màng nhĩ, màng nhĩ có thể bị kéo vào trong hoặc tạo ra một lỗ rách không thể liền lại được. Nếu không được điều trị thích hợp, cháu bé có thể bị suy giảm thính lực, liệt mặt hoặc áp-xe sau hoặc dưới tai. Đôi khi, nhiễm trùng tai cũng có thể gây ra các biến chứng nặng nề như viêm não, viêm màng não. Bạn nên cho cháu bé đi khám, tái khám đúng hẹn để được điều trị đầy đủ và dứt điểm tình trạng viêm tai giữa cho cháu thay vì chỉ nhỏ tai với Otifar. Ngoài ra bạn cần tiêm chủng cho cháu đầy đủ để ngừa một số tác nhân gây viêm tai giữa như Phế cầu. Xin chào!

--

   Câu hỏi của phụ huynh T.T.N nhà ở Kiên Giang: Chào bác sĩ, cho hỏi con trai mình được 16 tháng tuổi rồi, mà thằng cu mình nói chuyện đc mấy tiếng, ăn cháo và uống sữa bình & sữa mẹ cũng bình thường, nhưng bé bị dính thắg lưỡi nhẹ ở đầu lưỡi, vậy có nên dắt bé lên nhi đồng phẩu thuật không? Hay cho bé đi kiểm tra vậy? cho hỏi bé cũng khôn ngoan rồi, nếu cắt thắng lưỡi vậy có ảnh hưởng gì tới ăn uống & nói chuyện của bé không vậy? Xin tư vấn kĩ dùm cho tôi, tôi ở cách thành phố xa xôi lắm, mọi khi đi lên xuống khó khăn lắm,và công việc tôi nửa. Xin cảm ơn nhé ok!

   Trả lời: Dính thắng lưỡi là tật bẩm sinh nhẹ do dây thắng lưỡi (lớp màng mỏng niêm mạc dưới lưỡi) ngắn và làm hạn chế cử động bình thường của lưỡi. Khoảng 4%-5% ở trẻ sơ sinh bị tật này. Dính thắng lưỡi có thể gặp ở mức dính thắng lưỡi nhiều (còn gọi là dính thắng lưỡi hoàn toàn) hoặc dạng dính thắng lưỡi nhẹ (còn gọi là dính thắng lưỡi một phần do thắng lưỡi ngắn). Tùy thuộc lứa tuổi và mức độ dính thắng lưỡi nhiều hay ít, biểu hiện của dính thắng lưỡi như sau:

     - Thắng lưỡi ngắn, cử động lưỡi bị hạn chế.

     - Đầu lưỡi không thè ra ngoài môi được.

     - Đầu lưỡi không thể đụng nóc vòm họng.

     - Điển hình của dính thắng lưỡi thường gặp là khi trẻ khóc, đầu lưỡi trẻ hình trái tim do cử động ra phía trước và ra sau của lưỡi bị giới hạn.

     - Đầu lưỡi khi thè lưỡi thay vì thấy nhọn thì có vẻ phẳng hay vuông.

     - Các răng cửa hàm dưới có thể bị nghiêng hoặc giữa hai răng cửa hàm dưới bị hở.

     - Trẻ bú khó và phát âm cũng khó khăn.

   Khi phát hiện trẻ bị dính thắng lưỡi cha mẹ nên đưa trẻ đến khám chuyên khoa Răng Hàm Mặt tại bệnh viện Nhi Đồng 1 để được đánh giá chính xác trẻ mức độ dính thắng lưỡi và xác định có cần phải cắt hay không vì có những trường hợp trẻ bị dính thắng lưỡi ít với dây thắng lưỡi mỏng thì không cần phải can thiệp phẫu thuật. Xin chào!

---

Quý phụ huynh có thể xem những giải đáp thắc mắc về sức khỏe của con em mình hàng tuần qua chuyên mục “Trả lời câu hỏi thường gặp” trên trang web Bệnh viện Nhi Đồng 1 http://www.nhidong.org.vn

BSCK1 Nguyễn Đông Bảo Châu
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"