Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 14:21, 11/3/2019
27 lượt đọc

Trả lời câu hỏi về sức khỏe của phụ huynh kỳ 20

Trẻ em là mầm xanh của đất nước, vấn đề sức khỏe trẻ em luôn là vấn đề được phụ huynh quan tâm. Hôm nay BS Trần Minh Tấn chuyên khoa Nhi sẽ trả lời thắc mắc của phụ huynh về các vấn đề sức khỏe bé:

BS Trần Minh Tấn - Bác sĩ Nhi khoa tổng quát

   Câu hỏi của phụ huynh B.N.T.U nhà ở Gò Vấp TP HCM: Chào Bác sĩ, Bé nhà mình là bé trai, hiện tại được 17 tháng, cân nặng 11,5 kg. Cách đây 4 ngày, mình phát hiện mỗi lần đi tiểu là bé khóc rất to và cảm giác như rất đau ở bộ phận sinh dục (vì bé chưa biết nói), mình có cho bé đi khám ở phòng khám và xét nghiệm nước tiểu ngay trong ngày, kết quả là bé bị nhiễm trùng tiểu do hẹp bao quy đầu, Bác sĩ cho thuốc 5 ngày để kháng viêm, không có thuốc giảm đau vì bé còn nhỏ quá, và có hẹn tái khám để can thiệp xử lý tình trạng hẹp bao quy đầu bằng cách bôi kem và hướng dẫn cách làm vì nếu không xử lý thì bé có thể bị viêm trở lại. Đến nay bé uống kháng sinh được 3 ngày và tình trạng đau có đỡ dần, bé khóc ít hơn mỗi lúc đi tiểu nhưng vẫn còn khóc. Mình định khi uống hết thuốc sẽ cho bé qua bệnh viện Nhi Đồng 1 kiểm tra lại. Bác sĩ cho mình hỏi với lứa tuổi của con mình thì có cần phải can thiệp sớm hay không khi bé đã bắt đầu bị viêm? Và can thiệp như vậy thì có thể có những biến chứng gì không? Và làm thế nào để bé không bị viêm nữa. Mình cám ơn Bác sĩ rất nhiều ah.
   Trả lời:
Chào bạn. Cháu bị hẹp bao quy đầu và đã có biến chứng nhiễm trùng tiểu thì cần phải can thiệp vấn đề hẹp bao quy đầu. Gia đình cho biết: bác sĩ đã hẹn tái khám để hướng dẫn gia đình thoa kem và nong bao quy đầu cho cháu. Đây là phương pháp can thiệp nhẹ nhàng, hiệu quả và hầu như không có biến chứng, với điều kiện gia đình phải thực hiện đúng và kiên nhẫn. Để tránh nhiễm trùng tiểu tái phát thì cần giải quyết tốt tình trạng hẹp bao quy đầu.

   Trân trọng.

---

   Câu hỏi của phụ huynh Đ.T.T.K nhà ở Đồng Tháp: Chào bác sĩ! Bé của em hôm nay được 15 tháng 10 ngày, tối hôm qua bé đang đi thì bị trượt vũng nước té ngã ngữa ra sau đập đầu xuống nền gạch, bé không bị sưng và bầm. Tối giờ bé ngủ ngon và vẫn ăn uống vui chơi bình thường, đến trưa thì em thấy trên vùng đầu sau của bé có 1 vệt nhỏ màu đỏ nhạt hình vòng cung từ đỉnh đầu xuống. Vậy cho em hỏi là bé có thể bị chấn thương bên trong không ạ và em có cần cho bé đi khám không ạ. Em cảm ơn bác sĩ!

   Trả lời: Chào bạn. Gia đình nên đưa cháu đi khám, đồng thời nên có người lớn theo dõi sát trong ít nhất 48 giờ đầu.

   Chúc cháu mau khỏe.

---

   Câu hỏi của phụ huynh H.T.Q nhà ở Bình thuận: Con trai tôi được 13 ngày tuổi. Bé bị dị tật k có vành tai trái và miệng bị rách bên trái. Vậy xin hỏi liệu có phẫu thuật được cho bé k ạ? Chi phí và thời gian phẫu thuật là bao nhiêu ạ?

   Trả lời: Chào bạn. Gia đình nên đưa cháu đến khám để đánh giá mức độ dị tật của cháu, tùy mức độ dị tật và tình trạng sức khỏe của cháu mà bác sĩ khám trực tiếp sẽ tư vấn gia đình hướng xử trí, thời điểm có thể phẫu thuật và các vấn đề gia đình quan tâm.

   Trân trọng.

---

   Câu hỏi của phụ huynh L.T.H nhà ở quận 7: Bé bị sốt cao 39-40, uống thuốc hạ sốt ko thấy hạ, nhưng bé cư kêu lạnh và đòi đắp chăn??? Bé 71 tháng, nặng 20kg.

  Trả lời: Chào bạn. Khi sốt cao bé sẽ có cảm giác lạnh, thậm chí có thể lạnh run, nhưng không nên đắp chăn mà cần giữ thoáng cho bé. Thuốc hạ sốt không có tác dụng ngay lập tức sau khi uống, khi bé sốt cao 39 – 40oC thì gia đình nên kết hợp lau mát để hạ sốt nhanh hơn.

  Trân trọng.

---

   Câu hỏi của phụ huynh Đ.T.T.T nhà ở Đồng Nai: Bé em 3 tuổi rồi chưa biết nói và không hiểu những gì em nói. Nhưng em chỉ bé biết và làm theo. Bé có thể nghe được tiếng động, gọi tên có lúc quay lại lúc không. Bé rất quậy. Trước bé nói được ạ. Bà ngoại câu hai nhưng nói tiếng rất khó nghe... Con e có phải bị câm không ạ... Và em phải làm sao con em mới có thể nói được.

   Trả lời: Chào bạn. Trước tiên gia đình nên đưa cháu đi khám Tai mũi họng và đo thính lực. Nếu có vấn đề bất thường thì bác sĩ sẽ tư vấn hướng xử trí. Nếu bình thường thì gia đình cho cháu khám về Âm ngữ trị liệu, có thể khám Tâm lý nếu cần.

   Trân trọng.

---

   Câu hỏi của phụ huynh T.T.T nhà ở Quảng Nam: Chào bác sĩ! Em đang mang thai ở tuần 35, con em bị sứt môi: 1.9 mm. Bác sĩ cho em hỏi sau khi sinh thì trong khoảng thời gian nào điều trị cho bé tốt nhất ạ, với mức độ như vậy thì bé có để lại sẹo và ảnh hưởng tới giọng nói không ạ. chi phí ca phẩu thuật có cao không vậy bác. nhờ bác tư vấn giùm.

   Trả lời: Chào bạn. Thời điểm phẫu thuật phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trường hợp sứt môi đơn thuần, thời điểm phẫu thuật thông thường là 10 tuần tuổi. Khi phẫu thuật vùng mặt thì các bác sĩ phẫu thuật luôn cố gắng tạo hình thẩm mỹ ở mức tốt nhất, tuy nhiên việc lành sẹo như thế nào còn tùy thuộc vào cơ địa của bé. Sau khi sinh bé, gia đình nên liên hệ địa phương để được cấp thẻ bảo hiểm y tế, phẫu thuật sứt môi cho trẻ dưới 6 tuổi được Bảo hiểm y tế chi trả khi gia đình thực hiện đúng quy định của Bảo hiểm y tế.

   Trân trọng.

---

   Câu hỏi của phụ huynh N.T.T nhà ở Tiền Giang: Chào bác sĩ! Cho em hỏi bé nhà em được 1 tháng tuổi. Em cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn. Lúc trước ngày nào bé cũng đi ngoài nhưng giờ sau 3 ngày bé không đi ngoài nên em có lấy lõi hành kích thích hậu môn của bé và bé đi ngoài được ngay lúc đó, phân của bé không bị vón cục mà chỉ sệt hơn so với lúc trước. Nhưng qua ngày sau bé vẫn không đi ngoài nữa. Vậy bác sĩ cho em hỏi bé có bị sao không ạ? Bé có bị táo bón hay không? Và cách khắc phục như thế nào ạ? Em cảm ơn bác sĩ nhiều!

   Trả lời: Chào bạn. Trẻ 1 tháng tuổi, bú mẹ hoàn toàn, nếu 2 – 3 ngày bé chưa đi ngoài mà bé vẫn bú tốt, vẫn ngủ ngoan, không ọc ói, không quấy khóc, không chướng bụng và khi bé đi ngoài phân sệt hoặc phân mềm, không vón cục, thì không phải táo bón và không cần can thiệp. Cách làm của mẹ có thể áp dụng được, ngoài ra mẹ có thể mát - xa nhẹ nhàng bụng bé để giúp bé đi ngoài tốt hơn.

   Trân trọng./.

---

Quý phụ huynh có thể xem những giải đáp thắc mắc về sức khỏe của con em mình hàng tuần qua chuyên mục “Trả lời câu hỏi thường gặp” trên trang web Bệnh viện Nhi Đồng 1 http://www.nhidong.org.vn

 

 

BS Trần Minh Tấn
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"