Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 14:40, 1/3/2019
10993 lượt đọc

Trả lời câu hỏi về sức khỏe của phụ huynh kỳ 19

Vàng da, nôn trớ, vặn mình, nấm miệng là những bệnh lý thường gặp ở sơ sinh. Chuyên mục trả lời câu hỏi kỳ này sẽ do ThS. BS Nguyễn Thị Anh Tiên - Khoa Sơ Sinh sẽ trả lời Quý phụ huynh về các bệnh lý về sơ sinh:

ThS. BS Nguyễn Thị Anh Tiên - Khoa Sơ Sinh

 

   Câu hỏi của phụ huynh H.N: Chào bác sĩ? Bác sĩ cho em hỏi là bé nhà em được 45 ngày tuổi, bé bị nôn trớ với ọc sữa trong tháng, gần đây bé hay bị ọc trong lúc bú, và khi bú xong em cho ợ hơi đặt bé nằm là bé cứ trớ ra, sau khi ngủ khoảng 30 phút bé cũng bị ọc sữa cả mũi lẫn miệng. Bé nhà em bú tí là ngủ nên em ko biết bé no chưa? Mà bé ngủ rất ít 30 - 45 phút/ giấc. Bé hay vặn mình trong lúc bú và ngủ. Em định mua gối chống ọc sữa cho bé mà em sợ bé nhà em hay cựa quậy và vặn mình nên ko sử dụng được. Xin bác sĩ tư vấn giúp em! Bé nhà em sinh thiếu tháng, lúc sinh 36w, cân nặng 2150g. 1tháng: 3.3kg, 1.5 tháng: 4kg. Em xin cảm ơn!

   Trả lời: Chào bạn.

   Tình trạng bé nôn, trớ trong khi bú và ngay sau bú có thể do bé bị trào ngược dạ dày thực quản, là tình trạng rất thường gặp ở trẻ sơ sinh, do sự co thắt cơ vòng thực quản dưới chưa hoàn thiện, và các bé thường bú khi nằm, các mẹ lại cho bé bú quá no.

   Theo thông tin mẹ mô tả, em bé sinh non 36 tuần và nhẹ cân, nhưng sau 1,5 tháng bé tăng cân tốt. Bé cũng không có biểu hiện nào khác do ảnh hưởng của trào ngược, nên đây không phải là hiện tượng bệnh lý, không cần can thiệp quá mức. Mẹ nên chia nhỏ cử bú, cho bé bú nhiều lần, nên cho bé nằm đầu cao khoảng 30 độ trong khi bú và sau khi bú 30 phút. Mẹ cũng có thể sử dụng gối chống trào ngược. Áp dụng các biện pháp hỗ trợ chống trào ngược có thể phần nào giúp cải thiện giấc ngủ của bé.

   Nếu bé có những biểu hiện nào khác như bỏ bú, khó thở, chậm tăng cân…mẹ nên đưa bé đi khám ngay nhé!

   Chúc bé hay ăn chóng lớn./.

---

   Câu hỏi của phụ huynh P.H nhà ở Hà Nội: Chào bác sĩ. Con em 9 ngày tuổi đã được chiếu đèn vàng da do bất đồng nhóm máu 4 ngày. Xét nghiệm lại 205mmol được cho về. Tuy nhiên giờ bé vàng lại và vàng lên nhiều. Xin hỏi khi nào bé hết vàng da? Có nên cho vào viện chiếu đèn đến tiếp không? Em cám ơn.

   Trả lời: Chào bạn. Vàng da do bất đồng nhóm máu là tình trạng vàng da do tán huyết, xảy ra khi mẹ có nhóm máu O, con nhóm A hoặc B (trong trường hợp bất đồng ABO) hoặc mẹ nhóm máu Rh âm trong khi con nhóm Rh dương (trong trường hợp bất đồng Rhesus). Hiện tượng tán huyết xảy ra khi hồng cầu trong máu con tiếp xúc với kháng thể có trong máu mẹ, xâm nhập vào em bé trong 1 số trường hợp.

   Em bé của bạn bị vàng da đã được chiếu đèn, xét nghiệm lại trước khi cho về. Tuy nhiên, theo bạn mô tả là em bé vàng da tăng lên nhiều, bé mới được 9 ngày tuổi, vì vậy nên đưa bé đi tái khám, xét nghiệm và chiếu đèn lại nếu cần, vì bé vẫn còn trong giai đoạn có thể ảnh hưởng đến não nếu vàng da nặng. Sau thời gian điều trị về nhà, bé có thể vẫn còn tiếp tục vàng da vì lượng kháng thể còn tồn dư trong máu, tình trạng này có thể kéo dài 2-3 tháng, thậm chí lâu hơn trong bất đồng Rhesus.

   Chúc bé vui khỏe./.

---

   Câu hỏi của phụ huynh C.T.B.T nhà ở Quận Bình Thạnh: Chào bác sĩ. Con em vừa mới sinh được 5 ngày. Bác sĩ nói rằng trẻ sơ sinh khác thì phải bú sau khoảng 3 tiến 1 lần. Con em thì sau 1 tiếng đòi bú 1 lần. Không cho bé bú thì bé bị hạ đường huyết. Tình trạng con em như vậy phải làm sao? Có trị khỏi không thưa bác sĩ?

   Trả lời: Chào bạn.

   Mẹ mô tả không rõ tình trạng hạ đường huyết của bé là như thế nào, là bé đói, hay đòi bú hay em bé của mẹ đã được bác sĩ chẩn đoán là hạ đường huyết? Em bé của mẹ có bệnh lý gì kèm theo hay không (như sanh non, đa hồng cầu, nhiễm trùng, … hay mẹ bị đái tháo đường)?

   Ngoài xét nghiệm đường máu để chẩn đoán bé bị hạ đường huyết, em bé của bạn phải được làm thêm các xét nghiệm để tìm nguyên nhân, song song với việc điều trị ổn định đường huyết như truyền dịch, cho bú sớm và chia làm nhiều bữa…Tùy theo nguyên nhân là gì mới biết được em bé của bạn có được trị khỏi hay không. Đa số trường hợp hạ đường huyết do sanh non, mẹ đái tháo đường, đa hồng cầu, … điều trị được, em bé sẽ sớm ổn định, trừ một số ít trường hợp hạ đường huyết kéo dài do cường insulin thì bé phải được chích thuốc và theo dõi lâu dài.

   Trân trọng kính chào./.

---

   Câu hỏi của phụ huynh L.T.T.N nhà ở Cao Lãnh, Đồng Tháp: Chào Bác sĩ. Con tôi sinh thường 3,2 kg đủ ngày tháng, hiện tại bé được 1 tháng 6 ngày tuổi. Khi bé ngủ thường xuyên vặn mình gồng mình rặn người phát ra tiếng, thỉnh thoảng bé hay nhả nước bọt ra miệng khi ngủ, tôi thấy miệng bé hay ngậm nước bọt, lúc bé bú thì lại đổ mồ hôi đầu. Cho tôi được hỏi tình trạng bé như vậy là như thế nào có bị làm sao không ạ? Bé có cần bổ sung canxi hoặc vitamin D được k ạ, loại nào a? Xin cảm ơn Bác sĩ.

   Câu hỏi của phụ huynh N.T.Y.N Cai Lậy: Bác sĩ ơi cho em hỏi. Con em nay được 1 tháng 9 ngày. Bé ít khi ngủ, ngủ hay quấy khóc. Ít bú lại hay bị nôn trớ. Đêm ngủ bé vặn mình rất nhiều. Em có biết tới sản phẩm soki tium. Em có nên dùng sản phẩm này để cải thiện tình trạng của bé không ạ. Sản phẩm này có an toàn không ạ.

   Câu hỏi của phụ huynh M.T.T nhà ở Đồng Nai: Xin chào. Con mình được 1 tháng 5 ngày tuổi. Hai hôm nay bé bị tình trạng trớ sửa rất nhiều lần. Mặc dù không cho bé ăn no, ăn xong gần 1 tiếng đồng hồ. Chỉ cần bé vặn mình là trớ ra ngay.

   Trả lời (chung cho cả 3 câu hỏi trên): Chào bạn.

   Các bà mẹ thường có tâm lý lo lắng cho rằng “con hay bị vặn mình”, đây là biểu hiện bình thường của trẻ sơ sinh, không phải là dấu hiệu bệnh lý. Em bé sơ sinh chưa thể làm gì để vận động cơ thể được (như lật, bò, …), vì vậy vặn mình là động tác vận động của cơ thể bé. Do đặc điểm của trẻ sơ sinh là cơ thắt dưới thực quản chưa phát triển hoàn chỉnh, gây hiện tượng trào ngược, biểu hiện bằng trớ sữa hay nôn trớ, nên khi bé vặn mình dễ làm sữa trào lên, bé có thể ọc sữa hoặc chỉ nước bọt, hoặc nhai...Trào ngược dạ dày thực quản có thể gây ảnh hưởng đến giấc ngủ, hoặc gây ra những biến chứng như hít sặc, viêm phổi, chậm tăng cân,... Mẹ áp dụng các biện pháp như bác sĩ đã nói ở trên để cải thiện tình trạng trào ngược, giúp cải thiện giấc ngủ trước khi dùng thuốc.

   Về việc bổ sung vitamin D: Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho bé trong những năm đầu đời. Tuy nhiên, hàm lượng vitamin D trong 1 lít sữa mẹ không quá 25 UI. Do đó, Viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo nên bổ sung vitamin D cho tất cả các trẻ bú mẹ hoàn toàn với liều 400UI/ ngày. Vì vậy, mẹ có thể bổ sung thêm vitamin D cho bé.

   Trân trọng kính chào./.

---

   Câu hỏi của phụ huynh N.T.Đ nhà ở Lâm Đồng: Chào bạn. Hiện tại con tôi đang nằm lồng ấp và thở oxy tại bệnh viện tỉnh Lâm Đồng. Bác sĩ cho biết con tôi bị suy hô hấp nặng. đã nằm 4 ngày kể từ lúc sinh, và chưa chuyền được sữa mẹ. Bác sĩ nói không còn hi vọng! Tôi muốn chuyển con lên tuyến trên điều trị, bác sĩ có thể chữa trị khỏi bệnh cho con tôi được không ạ! cảm ơn bác sĩ.

   Trả lời: Suy hô hấp ở trẻ sơ sinh có rất nhiều nguyên nhân. Bố không nói rõ em bé sinh non tháng, đủ tháng, hay già tháng, và chẩn đoán hiện tại của em bé là gì, nên bác sĩ không thể trả lời chắc chắn cho bố được. Còn về nguyện vọng chuyển lên tuyến trên, thân nhân có thể yêu cầu, nhưng tùy theo tình trạng của em bé, bác sĩ điều trị sẽ đánh giá và giải thích cho bố xem em bé có chuyển được hay không, để đảm bảo chuyển viện an toàn.

   Trân trọng kính chào./.

---

   Câu hỏi của phụ huynh N.M.T nhà ở Quận Thủ Đức: Thưa bác sĩ! Bé nhà em được hơn 1 tháng tuổi. Khoảng 2 tuần nay cháu thường xuyên bị nôn trớ, bú ít (mỗi cữ chỉ khoảng 60ml, lúc trước 80ml). Đặc biệt mỗi lần bú xong bé tự nhiên khóc ngằn ngặt, oằn mình, dỗ kiểu gì cũng ko nín. Đi khám thì bác sĩ nói bé bị trào ngược thực quản nên có cho Nexium 10mg. Mỗi ngày/ 1 lần/nửa gói. Em có xem hướng dẫn sử dụng thì thấy thuốc này không nên sử dụng cho bé dưới 12 tháng tuổi. Vậy em có nên tiếp tục cho bé dùng không ạ?

   Trả lời: Trào ngược dạ dày thực quản chỉ nên dùng thuốc sau khi áp dụng tích cực các biện pháp như bác sĩ đã nói ở trên mà không thấy cải thiện, hoặc có biến chứng. Trào ngược có thể gây viêm thực quản do dịch dạ dày trào ngược gây ra. Esomeprazol (Nexium) có thể sử dụng ngắn ngày để điều trị tình trạng này ở trẻ sơ sinh, theo chỉ định của bác sĩ.

   Chúc bé vui khỏe./.

---

   Câu hỏi của phụ huynh P.T.D nhà ở quận Tân Phú: bé sinh được 12 ngày, bú sữa mẹ nhưng lưỡi bé và xung quanh miệng có đốm trắng. Nhờ Bác sĩ tư vấn loại thuốc trị.

  Trả lời: Chào bạn. Bé sơ sinh bú sữa nhiều lần trong ngày nên khoang miệng của bé rất dễ đọng sữa, vì vậy mẹ nên vệ sinh miệng lưỡi cho bé hằng ngày. Lưỡi và xung quanh miệng bé có đốm trắng không thể làm sạch sau khi vệ sinh, có thể do bé bị nấm miệng. Nấm miệng nếu không điều trị dứt điểm có thể tái đi tái lại nhiều lần, theo đó khi thấy con có dấu hiệu nhiễm nấm mẹ cần đưa đi khám bác sĩ. Thông thường có 2 loại thuốc để điều trị nấm miệng ở trẻ sơ sinh:

     - Miconazole: Là một loại thuốc dạng gel rất dễ sử dụng. Mẹ có thể bôi gel này lên các vùng bị nhiễm nấm. Thuốc hoạt động bằng cách giết chết các vi trùng nấm Candida bên trong khoang miệng.

     - Nystatin: Vì một số lý do nào đó, bé cưng không thích hợp với thuốc Miconazole, mẹ có thể dùng Nystatin để thay thế. Đây là thuốc điều trị nấm rất hiệu quả với dạng uống được nghiền nát hoặc dạng bột hòa nước để rơ miệng cho trẻ.

   Chúc bé vui khỏe./.

---

   Câu hỏi của phụ huynh N.T.H nhà ở quận Tân Phú: Chào bác sĩ. Em mới sinh bé được 2 ngày tuổi (nặng 2kg3 sinh lúc được 38 tuần) thì đột nhiên bé tím tái co giật. Bác sĩ cấp cứu nói bé bị tụt canxi, hạ đường huyết và suy dinh dưỡng thai kỳ. Cho em hỏi hiện tượng này có ảnh hưởng sau này bé bị sốt dẫn đến co giật không ạ? Bé em có hiện tượng là chân bị co giật giống như theo nhịp tim, bác sĩ cho em hỏi đó là biểu hiện gì? Có nguy hiểm không?

  Trả lời: Chào bạn.

  Em bé bị co giật lúc 2 ngày tuổi do bị hạ Canxi và hạ đường huyết thì chỉ cần điều chỉnh các rối loạn này, em bé sẽ hết co giật. Nếu các rối loạn này không trầm trọng đến mức gây tổn thương não, thì cũng không gây ảnh hưởng về sau.

  Trẻ sơ sinh có hiện tượng rung chi sinh lý, biên độ nhỏ, tần số nhanh. Mẹ nên đưa bé đi khám để xem bé bị rung chi hay co giật? Nếu là co giật phải tìm nguyên nhân để điều trị mẹ nhé.

---

Quý phụ huynh có thể xem những giải đáp thắc mắc về sức khỏe của con em mình hàng tuần qua chuyên mục “Trả lời câu hỏi thường gặp” trên trang web Bệnh viện Nhi Đồng 1 http://www.nhidong.org.vn

ThS. BS Nguyễn Thị Anh Tiên
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"