Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 16:36, 4/7/2018
382 lượt đọc

Trả lời câu hỏi về sức khỏe của phụ huynh gửi đến website Bệnh viện Nhi Đồng 1 từ 25/6 - 27/6/2018

Thời gian qua, Bệnh viện Nhi Đồng 1 chân thành cám ơn Quý thân nhân bệnh nhi, Quý phụ huynh đã tin cậy, quan tâm và gửi câu hỏi đến website của bệnh viện. Chúng tôi đã chuyển những câu hỏi của quý phụ huynh đến các Bác sĩ chuyên khoa có liên quan. Sau đây là nội dung trả lời các câu hỏi được gửi website http://nhidong.org.vn đến từ 25/6 – 27/6/2018.

Câu hỏi của phụ huynh H.T.K.T ở Bình Định: Bé nhà cháu nay được 8 tháng tuổi rồi mà cháu bị sốt siêu vi 38°C mà bé bị sốt co giật. Bé mới mọc răng sốt 40°C cháu cũng bị sốt co giật. Bé tiêm thuốc thì không bị sốt. Xin cho hỏi nguyên nhân vì sao vậy bác sĩ. Cháu cần tư vấn ạ.

Trả lời:

Chào bạn. Sốt co giật là tình trạng co giật đi kèm với sốt, xảy ra ở trẻ em từ 6 tháng đến 6 tuổi, mà không phải do nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương hoặc một nguyên nhân được xác định nào khác.

Có khoảng 3 – 4% trẻ dưới 6 tuổi có ít nhất một lần sốt co giật.

Nếu gia đình có người bị sốt co giật thì khả năng trẻ bị sốt co giật xảy ra cao hơn.

Hầu hết các trường hợp trẻ đã hết co giật khi đến bệnh viện, vì vậy chị và gia đình cần biết cách chăm  tại nhà khi trẻ sốt và khi trẻ xảy ra co giật do sốt.

Khi trẻ sốt:

      - Theo dõi nhiệt độ thường xuyên

      - Tránh mặc nhiều quần áo hoặc đắp chăn

      - Uống nhiều nước

      - Uống thuốc hạ sốt khi bé sốt > 38oC (tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ đã khám cho cháu ở lần bệnh gần nhất để có sẳn thuốc hạ sốt trong nhà và liều dùng; hoặc cho bé uống acetaminophen 10 – 15 mg/kg/lần mỗi 4 – 6 giờ)

      - Cho bé đi khám để điều trị nguyên nhân gây sốt

Khi trẻ đang co giật kèm sốt:

      - Đặt hậu môn Acetaminophen 10 – 15 mg/kg/lần

      - Đặt trẻ nằm nghiêng bên, không cho uống thuốc để tránh tắc đường thở do hít sặc.

Chúc bé khỏe mạnh, chóng lớn.

Trân trọng./.

---o0o---

Câu hỏi của phụ huynh N.T.M ở Thanh Hóa: Chào bác sĩ. Bé nhà em 5 tuổi mà bé vẫn nói ngọng. Bác sĩ cho em hỏi bé giờ đi khám ở đâu được ạ.

Trả lời: Chào chị. Chị có thể cho cháu đến Bệnh viện Nhi gần nơi ở nhất để khám về ngôn ngữ trị liệu, tìm hiểu và hướng dẫn gia đình biện pháp can thiệp để cải thiện phát âm cho cháu. Cũng nên cho trẻ khám ở Khoa Răng Hàm Mặt xem có bị dính thắng lưỡi nhiều gây nên nói ngọng không.

Chúc cháu đạt kết quả tốt.

Trân trọng./.

---o0o---

Câu hỏi của phụ huynh B.H.Đ ở Long An: Chào BS. Xin mình hỏi là con của mình mới phẩu thuật ngày 18/06/2018. BV hẹn tái khám vào ngày 28/06/2018, vậy khí đó mình cắt chỉ luôn được không? Nếu không thì khi nào cắt chỉ được? Mong BV tư vấn dùm, xin cảm ơn!

Trả lời: Chào anh. Nói chung có thể cắt chỉ sau phẫu thuật 7 đến 10 ngày, tuy nhiên cũng có những trường hợp không cần cắt chỉ do sử dụng loại chỉ tiêu (chỉ tự tan, không cần cắt). Rất tiếc do không biết rõ cháu phẫu thuật gì nên không thể trả lời chi tiết hơn cho anh được, nhưng Bệnh viện đã hẹn anh tái khám sau 10 ngày, cũng là thời điểm có thể cắt chỉ, nên anh có thể hỏi luôn vấn đề này khi tái khám.

Chúc cháu mau lành bệnh.

Trân trọng./.

---o0o---

Câu hỏi của phụ huynh N.Đ ở Hóc Môn: Con em bị sứt môi bên trái. Bé bú mẹ và bú bình được. Em muốn hỏi khi nào bé làm phẫu thuật được. Điều kiện để bé được phẫu thuật là gì? Vì con em sinh thiếu tháng (34 tuần). Sau khi phẫu thuật xong, bé có được trọn vẹn như những bé bình thường khác không ạ. Cảm ơn bác sĩ.

Trả lời: Chào bạn. Việc chọn lựa thời điểm phẫu thuật tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Thông thường, bé bị sứt môi một bên có thể thực hiện phẫu thuật vào lúc 10 tuần tuổi, cân nặng 5 kg, các yếu tố khác sẽ do bác sĩ chuyên khoa đánh giá khi khám cho bé. Chị nên đưa bé đến bệnh viện chuyên khoa Nhi hoặc Bệnh viện Răng Hàm Mặt để khám tật sứt môi chẻ vòm. Tùy mức độ tổn thương, các bác sĩ chuyên khoa sẽ chọn thời điểm và cách phẫu thuật để phục hồi tốt nhất về thẩm mỹ và chức năng cho bé.

Chúc bé sớm được phẫu thuật thành công.

Trân trọng./.

---o0o---

Câu hỏi của phụ huynh L.H.Y ở Quận 6: Xin chào bệnh viện. Tôi có bé trai 13,5 tháng, tôi thấy chân con có dấu hiệu vòng kiềng. Tôi muốn đưa con khám ở bệnh viện thì khám như thế nào, khu nào, giờ khám ạ. Cám ơn!

Trả lời: Chào bạn. Trường hợp con bạn có thể đến khám tại chuyên khoa Chỉnh hình của Bệnh viện Nhi Đồng 1 vào các buổi sáng thứ ba, sáng thứ năm, sáng thứ sáu và sáng thứ bảy hàng tuần. Bạn có thể xem thêm thông tin về lịch khám chuyên khoa trên trang web của Bệnh viện Nhi Đồng 1: http://nhidong.org.vn mục Thời gian khám bệnh.

Chúc cháu mau ăn chóng lớn.

Trân trọng./.

---o0o---

Câu hỏi của phụ huynh H.C.T ở Cà Mau: Cho tôi hỏi lịch khám drop mắt ở trẻ sơ sinh?

Trả lời: Chào bạn. Khám DROP được thực hiện tại Phòng khám Mắt của Bệnh viện Nhi Đồng 1.

            + Từ thứ hai đến thứ sáu:

                     - Buổi sáng: từ 7g – 11g30

                     - Buổi chiều: từ 12g30 – 16g

            + Thứ bảy: từ 7 giờ đến 11 giờ

Bạn có thể xem thông tin về lịch khám chuyên khoa Mắt trên trang web của Bệnh viện Nhi Đồng 1: http://nhidong.org.vn mục Thời gian khám bệnh.

Trân trọng./.

---o0o---

Câu hỏi của phụ huynh Đ.T.H.O ở Bình Thuận: Xin BV cho biết là vắc xin Quivaxem (5 trong1) tiêm cho trẻ dưới 2 tuổi thì tiêm tay, tiêm đùi hay tiêm mông ạ? Xin cám ơn.

Trả lời: Chào bạn. Theo hướng dẫn của Chương trình Tiêm chủng mở rộng, vị trí tiêm của vắc xin Quinvaxem là ở đùi.

Trân trọng./.

---o0o---

Câu hỏi của phụ huynh N.M.Đ ở Quảng Nam: Chào BS. BSTư vấn giúp gia đình khám bệnh liệt đám rối thần kinh cánh tay.

Trả lời: Chào bạn. Liệt đám rối thần kinh cánh tay ở trẻ nhỏ là di chứng do chấn thương sản khoa trong các trường hợp sanh khó. Tập vật lý trị liệu càng sớm càng tốt, ngay sau khi phát hiện. Có thể tập ngay sau sanh nếu phát hiện được ngay.

Tập vật lý trị liệu sớm phối hợp với phẫu thuật ở thời điểm phù hợp có thể cải thiện hoạt động cánh tay bé ở các mức độ khác nhau tùy vào mức độ tổn thương.

Gia đình nên đưa trẻ đến khám tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Nam.

Chúc cháu mau ăn chóng lớn.

Trân trọng./.

---o0o---

Câu hỏi của phụ huynh V.T.L ở Quãng Ngãi: Con trai em mới 1 tháng tuổi đã bị bệnh viêm màng não. Bé đang nằm điều trị tại BV Sản Nhi Quảng Ngãi. Cho em hỏi bệnh đó có chữa dứt điểm không? Có bị ảnh hưởng gì về sau và có bị tái phát lại không? Em đang rất lo lắng xin hỏi ý kiến bác sĩ.

Trả lời: Chào bạn. Viên màng não là bệnh nhiễm trùng ở màng não. Đối với trẻ 1 tháng tuổi, bệnh thường nặng, do đó, điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi là phù hợp. Bệnh điều trị lành sẽ khỏi hẳn, không tái phát. Ở một số trường hợp, nhất là khi phát hiện điều trị trễ, sẽ có di chứng. Vì vậy, cần theo dõi định kỳ để đánh giá sự phát triển thể chất tinh thần của trẻ xem có di chứng hay không, mức độ ra sao để có phương pháp điều trị phù hợp, hạn chế di chứng.

Chúc cháu mau ăn chóng lớn.

Trân trọng./.

---o0o---

Câu hỏi của phụ huynh L.T.T.A ở Tây Ninh: Chào bác sĩ. Lúc 5 tháng tuổi bé nhà em có đi mổ lấy hạch do tiêm ngừa lao. Lúc đó bé mổ 3 chổ, sau 2 tháng có 1 chổ bị nổi mủ, 2 chổ còn lại vết mổ đã lành và liền sẹo. Chổ nổi mủ không sưng, không đỏ nhưng vẫn không hết mủ. Cho em hỏi có sao không ạ?

Trả lời: Chào bạn. Chích ngừa lao khi trẻ mới sinh thường an toàn. Rất ít trường hợp có phản ứng tại chỗ như mủ nơi tiêm, hạch nách sau tiêm. Trường hợp bé của bạn đã được mổ, có 2 chỗ lành tốt. Còn một vết vẫn dò mủ nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Bạn có thể đến Trạm Y tế nơi mình ở để được hướng dẫn chăm sóc đúng cách vết dò (rửa bằng dung dịch nước muối, rắc thuốc nơi dò,….) Sau một thời gian ngắn vết dò sẽ lành.

Chúc bé khỏe mạnh, chóng lớn.

Trân trọng./.

---o0o---

Câu hỏi của phụ huynh T.T.T.T ở Long Xuyên: Con em năm nay 4 tuổi, hay ho về đêm và rạng sáng, thở rít, đi khám thì bác sĩ bảo triệu chứng hen suyễn. Xin cho em hỏi như vậy có nặng không và cách phòng trị bệnh hen suyễn. Em xin cảm ơn.

Trả lời: Chào bạn. Trẻ 4 tuổi, ho về đêm kéo dài hơn 1 tháng, có tiếng thở nghe bất thường cần được khám để xác định có phải bị hen suyễn hay không. Đây là bệnh cần được theo dõi điều trị phù hợp lâu dài để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày của trẻ.

Trường hợp con của bạn, biểu hiện như mô tả là không nặng, chỉ cần đến khám và theo dõi định kỳ tại một cơ sở y tế có điều trị nhi tại TP. Long Xuyên là phù hợp. Chú ý cần tuân thủ các hướng dẫn trong sử dụng thuốc cho đúng cách.

Chúc bé khỏe mạnh, chóng lớn.

Trân trọng./.

---o0o---

Câu hỏi của phụ huynh L.T.K.T ở Tân Phú: Bé sinh 1 tháng 22 ngày, hay khóc dữ trước khi tiểu. Lượng nước tiểu nhiều. Bìu không cân xứng, có hiện tượng chứa nước. Nhờ BS tư vấn dùm.

Trả lời: Chào  bạn. Trẻ trai quấy khóc trước khi đi tiểu do trẻ gặp khó khăn khi bắt đầu đi tiểu, có thể liên quan đến việc hẹp đường tiểu từ bàng quang đến lỗ sáo phía ngoài dương vật của trẻ. Nguyên nhân hay gặp ở trẻ trai là do hẹp bao quy đầu. Khi đó bé hay quấy khóc, đỏ mặt hoặc rặn khi đi tiểu. Nếu triệu chứng khó tiểu này nặng, gia đình cần đưa trẻ đi khám để xác định và có xử trí thích hợp.

Vùng bìu có hiện tượng chứa nước một bên có thể do bệnh lý ống phúc tinh mạc tồn tại. Ống phúc tinh mạc là cấu trúc của cơ thể thông  giữa ổ bụng và vùng bìu của bé, thường sẽ mất khi bé sinh ra. Nếu còn tồn tại, nước trong ổ bụng đi xuống bìu nên bìu bé to lên. Sau sinh, khi trẻ khoảng 12-18 tháng ống nầy sẽ đóng lại.  Sau lứa tuổi này mà tình trạng vẫn chưa giảm thì sẽ xem xét phẫu thuật.  Để xác định và có hướng theo dõi cụ thể, gia đình nên đưa bé đến khám.

Chúc bé khỏe mạnh, chóng lớn.

Trân trọng./.

---o0o---

Câu hỏi của phụ huynh L.H.N.T ở Củ Chi: Con em sanh được 1 tháng 3 tuần mà sao cứ ỉa phân xám và khó ngủ; bú sữa cứ bị ọc ra ngoài; hay bị giật mình, cứ cà hớt cà hớt giống như khó nuốt sữa vậy.

Trả lời: Chào bạn. Trẻ tiêu phân xám thường liên quan đến sữa công thức mà trẻ bú. Gia đình nên theo dõi tình trạng phân của bé (lỏng, rắn, thay đổi màu sắc) cũng như số lần đi tiêu trong ngày của trẻ và đưa trẻ đến gặp Bác sỹ để được tư vấn kỹ hơn về tình trạng phân, xét nghiệm phân (nếu cần) và loại sữa phù hợp cho trẻ.

Bú hay ọc sữa ở những tháng đầu đời thường do hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản. Đó là do cơ đóng ngăn cách giữa dạ dầy và thực quản còn yếu. Hiện tượng này thường nhẹ, ít ảnh hưởng đến trẻ nên trẻ vẫn tăng trưởng bình thường. Trẻ sẽ bớt dần khi trẻ lớn lên, thường giảm rõ rệt khi trẻ từ 18-24 tháng. Nếu tình trạng ọc sữa nhiều, nặng, bé hay thở cà hớt như khó nuốt thì cần phải điều trị để không ảnh hưởng đền sự phát triển thể chất của trẻ. Trường hợp con bạn  cần đưa trẻ đến khám để có điều trị thích hợp và kịp thời.

Chúc bé khỏe mạnh, chóng lớn.

Trân trọng./.
Ban biên tập
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"