Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 10:31, 28/6/2018
1361 lượt đọc

ThS. BS Phạm Đình Nguyên trả lời những thắc mắc về Amidan

Amidan là bệnh lý có thể xuất hiện ở bất cứ đối tượng nào mà không phân biệt độ tuổi, hay giới tính. Tuy đơn giản, nhưng nếu không được điều trị kịp thời, viêm amidan hoàn toàn có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm đối với người bệnh. ThS. BS Phạm Đình Nguyên – Chuyên khoa Tai Mũi Họng sẽ giúp ta giải đáp nguyên nhân, triệu chứng cũng như những cách để chữa trị căn bệnh này như thế nào.

1. Amiđan là gì và vai trò của amiđan trong cơ thể ra sao?
Được gọi chính xác là amiđan khẩu cái, amiđan là tổ chức lympho nằm ở hai bên thành họng có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể trước sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh thông qua hoạt động miễn dịch tại chổ. Hoạt động miễn dịch của amiđan mạnh nhất ở nhóm trẻ từ 4-10 tuổi và sẽ giảm rõ rệt sau độ tuổi này nhất là trong những trường hợp thường bị viêm amiđan tái phát nhiều lần.
2. Amiđan có vai trò bảo vệ cơ thể vậy liệu sức đề kháng của trẻ có giảm đi sau khi cắt amiđan không?
Để đơn giản, bạn hãy nghĩ amiđan như hàng rào của một ngôi nhà vậy. Bình thường hàng rào này có thể hạn chế sự xâm nhập của người lạ. Nhưng đôi khi nó sẽ cần phải được phá bỏ nếu như có kích thước quá lớn làm hẹp lối đi hay không còn khả năng bảo vệ do bị mục nát. Cơ thể chúng ta được bảo vệ bởi một hệ thống miễn dịch gồm nhiều cơ quan khác nhau vì vậy sức đề kháng của cơ thể thường bị ảnh hưởng rất ít sau khi cắt amiđan.

3. Làm sao có thể nhận biết trẻ bị viêm amiđan?

Có nhiều tác nhân (virus, vi khuẩn) gây viêm amiđan. Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà trẻ sẽ có một số biểu hiện đặc trưng riêng. Hầu hết các trường hợp, khi bị viêm amiđan trẻ sẽ có biểu hiện sốt (thường là sốt cao), nuốt vướng, nuốt đau, ho, mệt mỏi, nhức đầu, chán ăn… Khi thăm khám sẽ thấy amiđan sưng to, đỏ, có thể có hoặc không có mủ, có giả mạc, loét,…

Hình Amidan sưng to

4. Sức khỏe của trẻ sẽ ảnh hưởng như thế nào nếu amiđan quá lớn hay thường xuyên bị viêm?

- Khi amiđan lớn sẽ gây bít tắc đường thở ảnh hưởng đến hô hấp của trẻ. Trong trường hợp này bé sẽ có biểu hiện ngủ ngáy, khó thở, có cơn ngưng thở lúc ngủ. Tình trạng thiếu oxy kéo dài như vậy ảnh hưởng lên nhiều cơ quan khác nhau như thần kinh, tim, phổi, phát triển bất thường sọ mặt…

- Amiđan thường xuyên bị viêm nhiễm sẽ làm sức khỏe giảm sút và có thể gây nhiều biến chứng như áp-xe quanh amiđan, viêm tế bào, áp-xe cạnh họng, nhiễm trùng vùng sau họng, viêm khớp, viêm cầu thận, viêm cơ tim….

5. Khi nào cần cho trẻ cắt amiđan?

Đa số phụ huynh và một số nhân viên y tế thường quan niệm rằng không thể cắt amiđan khi trẻ còn quá nhỏ mà phải đợi đến khi trẻ lớn (sau 15 tuổi). Điều này thật sự chưa chính xác bởi vì amiđan hoàn toàn có thể cắt ở bất kỳ lứa tuổi nào nếu cần thiết. Cần xem xét cắt amiđan cho trẻ trong các trường hợp sau:

- Amiđan quá phát gây bít tắc đường thở; trẻ có cơn ngưng thở khi ngủ; rối loạn giấc ngủ hay có biến chứng lên cơ quan khớp, thận, tim, phổi; khó ăn, khó nuốt; phát triển bất thường vùng sọ mặt.

- Mỗi năm viêm amiđan tái phát trên 3 lần; áp-xe quanh amiđan; hơi thở hôi kéo dài dù đã được điều trị thích hợp và đã loại trừ được những nguyên nhân gây hôi miệng khác; trẻ bị viêm amiđan nhiều lần đi kèm chậm hoặc không tăng cân.

- Amiđan to một bên và nghi ngờ ung thư.

6. Nên cắt amiđan theo phương pháp nào?

- Hiện nay có nhiều kỹ thuật như cắt amiđan bằng phương pháp bóc tách, dao điện đơn cực hay lưỡng cực, laser, coblation…

- Tùy theo lứa tuổi và sức khỏe của bé, trang thiết bị của bệnh viện và kinh nghiệm của phẫu thuật viên mà các bác sĩ có thể tư vấn để cha mẹ lựa chọn cho bé một phương pháp phẫu thuật thích hợp.

7. Trẻ cần được chuẩn bị như thế nào trước khi cắt amiđan?

Trước khi cắt amiđan trẻ cần được kiểm tra sức khỏe tổng quát và làm một số xét nghiệm cần thiết. Không nên cắt amiđan nếu trẻ có bệnh lý về máu, đang bị ốm, mắc bệnh truyền nhiễm hay có bệnh mãn tính chưa được điều trị ổn định hoặc đang có dịch bệnh lưu hành ở nơi bé đang sinh sống.

8. Sau khi cắt amiđan trẻ cần được chăm sóc như thế nào?

Bên cạnh việc cho bé dùng thuốc theo đúng chỉ định, trẻ cần tránh ăn thức ăn nóng, cứng, chua, cay và theo hướng dẫn của bác sĩ trong hai tuần lễ đầu tiên:

- Ngày 1-2: uống sữa lạnh

- Ngày 3-4: ăn cháo lỏng để nguội ( có thể dùng xương để nấu lấy nước hay thịt được tán nhuyễn)

- Ngày 5-6: ăn cháo đặc nguội có thịt bằm, rau xanh xắt nhỏ...

- Ngày 7-8 : ăn cơm nhão, thịt cá mềm và được xắt nhỏ, nên có canh để tránh phải nhai nhiều và dễ nuốt.

- Ngày 9-15 : ăn cơm thường để nguội.

- Sau phẫu thuật trẻ có thể nói chuyện được ngay nhưng cần trấn an trẻ để bé không la hét, khạc nhổ nhiều, không chạy nhảy hay hoạt động thể lực mạnh trong những ngày đầu tiên và trở lại sinh hoạt bình thường sau 2 tuần.

9. Những biến chứng nào có thể gặp khi cắt amiđan?

Mặc dù cắt amiđan là một kỹ thuật tương đối đơn giản trong chuyên ngành Tai Mũi Họng, tuy nhiên, khi cắt amidan trẻ có thể gặp một số tai biến do quá nhạy cảm với thuốc gây mê, chảy máu, nhiễm trùng, đau nhức… Do vậy các phụ huynh nên đưa bé đến những bệnh viện uy tín có trang thiết bị đầy đủ đề phẫu thuật nhằm hạn chế tối đa những nguy cơ có thể xẩy ra trong và sau phẫu thuật.
ThS. BS Phạm Đình Nguyên
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"