Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 10:49, 28/6/2018
714 lượt đọc

ThS. BS Phạm Đình Nguyên giải đáp thắc mắc về viêm tai giữa cấp ở trẻ em

Viêm tai giữa cấp ở trẻ em là một tình trạng viêm cấp tính ở tai giữa của các bé. Đây là bệnh lý thường gặp ở trẻ em nếu không theo dõi và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn cho bé do các tai biến và các biến chứng của bệnh lý này gây ra. ThS. BS Phạm Đình Nguyên, chuyên khoa Tai Mũi Họng giúp ta giải đáp các vấn đề liên quan đến viêm tai giữa cấp ở trẻ em.

1. Tai giữa là gì? Tại sao trẻ bị viêm tai giữa?

     - Cơ quan thính giác của chúng ta là một cỗ máy hoàn chỉnh gồm ba phần: tai ngoài, tai giữa và tai trong.

     - Tai ngoài (vành tai, ống tai, màng nhĩ) dẫn truyền âm thanh từ bên ngoài đến một khoang phía sau màng nhĩ được gọi là tai giữa. Tại đây âm thanh tiếp tục đi qua tai trong và biến đổi thành các tín hiệu kích thích trung tâm nghe ở não để tạo ra đáp ứng phù hợp với âm thanh vừa nhận được.

     - Viêm tai giữa cấp là tình trạng tổn thương tai giữa dưới tác động của các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus,…

     - Do sức đề kháng yếu, vòi nhĩ rộng và ngắn nên trẻ em thường bị viêm tai giữa cấp hơn người lớn.

2. Làm sao để biết trẻ bị viêm tai giữa cấp?

     - Viêm tai giữa có thể xuất hiện đơn độc hay theo sau một đợt nhiễm trùng hô hấp trên như sốt, đau đầu, sổ mũi, ngạt mũi, ho , đau họng, mệt mỏi, ăn uống kém...

    - Đau tai là triệu chứng điển hình gặp trong hầu hết các trường hợp viêm tai giữa. Trẻ nhỏ thường bứt rứt, quấy khóc vô cớ, khóc đêm, dùng tay sờ nắn vào tai. Đau ở trẻ lớn thường đến đột ngột khiến trẻ đang ngủ giật mình thức dậy khóc thét và than nhức tai, có cảm giác như có côn trùng đang ngọ ngoạy cào xướt trong tai.

    - Trẻ có thể bị ù tai hay ảnh hưởng sức nghe tạm thời.

    - Sau 3 - 5 ngày sốt cao liên tục trẻ bắt đầu chảy mủ tai. Mủ thường có màu vàng nhạt và lõng. Đôi khi mủ có thể đặc như keo và sậm màu. Lúc này trẻ hết sốt, đau tai giảm nhiều.

    - Ngoài các triệu chứng đặc hiệu ở tai, trẻ có thể nôn ói, đau bụng, tiêu chảy…
3. Khi nào cần đưa bé đến bệnh viện?

    - Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời trẻ có khả năng giảm thính lực do thủng màng nhĩ, tổn thương chuỗi xương con hay nhiều biến chứng nguy hiểm khác do tình trạng viêm nhiễm kéo dài.

    - Chính vì thế hãy đưa trẻ đến bệnh viện khi có các dấu hiệu nghi ngờ.Thông thường chỉ cần khám lâm sàng bác sĩ đã có thể định bệnh chính xác. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, để tìm nguyên nhân và đánh giá các tổ chức lân cận cần phải thực hiện một số phương tiện chuyên biệt như chụp Xquang, nội soi,...

4. Viêm tai giữa cấp được điều trị ra sao?

    - Tùy theo nguyên nhân và giai đoạn của bệnh mà cách điều trị khác nhau. Trẻ chỉ cần dùng thuốc giảm đau, kháng viêm nếu bị viêm tai giữa do virus và không có dấu hiệu của tình trạng bội nhiễm. Kháng sinh được cân nhắc sử dụng trong hầu hết các trường hợp còn lại trong thời gian từ 7 đến 10 ngày kết hợp với thuốc chống xung huyết, chích rạch màng nhĩ dẩn lưu mủ (giai đoạn ứ mủ) hay làm khô tai khi mủ đã thoát ra ngoài qua lổ thủng của màng nhĩ.

    - Thuốc nhỏ tai có nhiều loại, mỗi loại có chỉ định và chống chỉ định khác nhau do đó không nên tùy tiện dùng thuốc nhỏ tai cho trẻ khi chưa có ý kiến bác sĩ để tránh gây hại cho tai và làm cho tình trạng xấu hơn.

    - Nếu trẻ chảy mủ tai nhiều có thể dùng gạc sạch thấm nước ấm lau vành tai cho trẻ. Không nên dùng que gòn để ngoáy tai làm sạch mủ vì vô tình sẽ làm trầy xướt ống tai, tổn thương màng nhĩ và tạo điều kiện cho vi trùng phát triển rộng hơn.

5. Làm sao để phòng bệnh viêm tai giữa cấp?

    - Đưa trẻ đến bác sĩ để khám và điều trị sớm khi có các dấu hiệu nhiễm trùng hô hấp trên hay viêm mũi xoang cấp tính.

    - Thường xuyên theo dõi sức khỏe của trẻ nhằm phát hiện những thay đổi bất thường.

    - Cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và giữ gìn vệ sinh sạch sẽ.

    - Trẻ cần phải được giữ ấm hợp lý. Mùa lạnh mặc áo ấm, quàng khăn, mang tất. Có thể sử dụng quạt và máy lạnh trong mùa nóng, tuy nhiên nên hạn chế để trẻ nằm nơi có nhiều gió lùa và luôn điều chỉnh nhiệt độ ở mức trên 25°C.

    - Và quan trọng nhất đừng quên là phải cho trẻ tiêm ngừa đầy đủ theo qui định.

ThS. BS Phạm Đình Nguyên
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"