Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 10:5, 25/7/2017
722 lượt đọc

Tâm sự của một người cha có con tự kỷ

Chấp nhận con mình có Rối Loạn Tự Kỷ đã là một vấn đề khó khăn, đau khổ, thất vọng, nhưng việc phải làm gì để giúp con và làm gì để cha mẹ dấn thân thì càng khó khăn gấp bội. Sau đây là tâm sự của một người cha tự nói về chuyển biến cảm xúc của mình từ lúc biết lúc con mình bị Tự Kỷ đến lúc chấp nhận và giúp con.

Ngày 3/1/2004 là ngày vợ tôi sinh đứa con đầu lòng. Bồng trên tay sinh linh nhỏ bé nặng vừa đúng 3kg, niềm vui và hạnh phúc của lần đầu được làm cha trong tôi tràn ngập. Nhìn đứa con trai khoẻ mạnh, đẹp như một thiên thần trong lòng tôi biết bao hy vọng. Cha sẽ  nuôi dạy con thành một chàng trai thông minh và mạnh mẽ, với mong ước đó tôi đặt tên cho cháu là Q.T.

Con tôi lớn lên từng ngày trong tình thương yêu của cha mẹ và cả ông bà nội ngoại hai bên. Khi cháu 11 tháng tuổi đã biết đi và bắt đầu bi bô những tiếng không rõ nghĩa. Càng lớn cháu càng hiếu động, nghịch ngợm nhưng ngôn ngữ vẫn chưa phát triển mặc dù cháu nói suốt ngày. Đến khi cháu được 2 tuổi, sự mong đợi những tiếng nói đầu tiên của đứa con trai bắt đầu mỏi mòn trong tôi, thay vào đó là nỗi lo lắng ngày một lớn dần. Tôi đưa cháu đi khám bác sĩ về bệnh chậm nói ở nhiều Bệnh Viện, kể cả vài Bệnh Viện lớn ở TP.HCM. Cháu được khám tai mũi họng, đo điện não đồ, tất cả đều cho kết quả tốt. Các bác sĩ thì mỗi người nói mỗi kiểu khiến tôi rất bối rối, cuối cùng tôi đành phải chờ đợi bản thân cháu tự bật ra tiếng nói.

Càng ngày tôi càng sốt ruột vì các biện pháp dạy dỗ mà tôi tự nghĩ ra hoặc tham khảo từ nhiều nguồn áp dụng cho cháu hầu như không tác dụng. Tôi vào “Google” gõ cụm từ “Trẻ chậm nói” một rừng thông tin xuất hiện. Trong đó tôi tìm được một số thông tin liên quan đến Hội chứng Tự Kỷ, và có một số triệu chứng gần giống con mình. Lọc ra hai địa chỉ đáng tin cậy: Khoa Tâm lý BV Nhi Đồng II, Đơn vị Tâm lý BV Nhi Đồng I, cuối cùng tôi đưa cháu đến khám tại Đơn vị Tâm lý BV Nhi Đồng I.

Ngày 27/9/2007, kết quả khám làm tôi choáng váng: con tôi có những dấu hiệu của trẻ Tự Kỷ. Qua những điều mà các chuyên gia giải thích và tư vấn, tôi hiểu rằng tình trạng của con tôi là rất khó khăn. Người ta thường nói đến tình cảm thiêng liêng của người mẹ dành cho con, nhưng trong hoàn cảnh như tôi, mấy ai biết đàn ông nước mắt chảy ngược. Bao nhiêu kỳ vọng tôi đặt vào đứa con trai như vụt tắt. Tôi đã suy sụp mất cả tuần.

Trong thời gian này tôi suy nghĩ rất nhiều đồng thời đọc tất cả tài liệu liên quan mà tôi có được. Khi đã hiểu về bệnh của con và những khó khăn mà gia đình tôi phải đối mặt, tôi cảm thấy bình tâm trở lại để bắt đầu chương trình can thiệp sớm cho cháu. Chương trình này nếu ai đã đưa con đến hai địa chỉ trên đều được các bác sĩ, chuyên gia tâm lý cung cấp và hướng dẫn tận tình nên tôi không đề cập đến trong bài này. Tôi chỉ muốn chia sẻ với các bậc phụ huynh có hoàn cảnh giống như tôi những trải nghiệm của bản thân, để chúng ta có đủ sức mạnh và nghị lực nuôi dạy các cháu thành người.

Làm cha, làm mẹ ai cũng muốn con mình khoẻ mạnh, giỏi giang. Sinh con ra không được như ý muốn thì đó là nỗi bất hạnh lớn lao mà chúng ta rất khó chấp nhận. Nhưng cuộc sống này suy cho cùng chẳng có điều gì là vẹn toàn cả. Điều quan trọng là chúng ta có đủ sức lực và lòng kiên nhẫn để đồng hành cùng con chúng ta hay không. Chương trình giáo dục cho các cháu đã có nhưng ngày rộng tháng dài đối diện với nỗi đau âm thầm trong tâm tưởng, mỗi bậc cha, mẹ trong chúng ta phải tự tìm cách chữa trị vết thương lòng. Chúng ta phải thích nghi với cuộc sống mới mà trong đó đứa con là tâm điểm.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, chúng ta đã vô tình làm cho tâm hồn mình chai sạn đi để đối phó với những lo toan, tất bật của cuộc sống. Phải chăng những đứa trẻ của chúng ta cũng bị ảnh hưởng bởi lối sống của cha mẹ mà trở thành người vô tâm, vô cảm. Là đàn ông hay phụ nữ, nước mắt chảy xuôi hay chảy ngược bạn cứ khóc đi nếu còn có thể. Chỉ sợ rằng bạn không còn cảm xúc để khóc mà thôi.Tôi không khuyên bạn khóc những giọt nước mắt yếu mềm mà hãy khóc những giọt nước mắt ăn năn. Chúng ta hãy suy nghĩ xem mình đã biết yêu thương con đúng cách chưa từ khi cháu còn là một mầm sống còn nằm trong bụng mẹ cho đến ngày hôm nay. Những giọt nước mắt sẽ rửa sạch nỗi đau trong lòng bạn. Khi tâm hồn bạn lắng dịu lại và con tim dâng đầy cảm xúc yêu thương bạn sẽ cảm nhận niềm vui sống, hạnh phúc khi được hi sinh tất cả vì đứa con yêu quý. Nếu chúng ta không cảm nhận được vẻ đẹp của thế giới này, thì cũng không thể nào truyền dạy cho con chúng ta tình yêu cuộc sống, sự say mê ham thích khám phá cuộc sống. Chỉ có tình thương vô bờ bến của cha mẹ mới xoa dịu tâm hồn con trẻ để chúng không tìm cách chối bỏ cuộc sống này.

Mùa Xuân đã đến, những mầm sống đang mạnh mẽ vươn lên từ lòng đất mẹ để đón ánh dương ấm áp. Nếu bạn đang nản lòng thì hãy bắt đầu từ mùa Xuân này đi! Trong không khí đầm ấm của gia đình và niềm sum họp của những ngày đầu năm với ông bà nội ngoại, bạn có nhiều cơ hội để dạy cho bé hiểu thế giới này là của bé.


Võ Xuân Nghĩa
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"