Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 10:28, 25/7/2017
10371 lượt đọc

Probiotics là gì?

Probiotics (tạm dịch là các chất trợ sinh) theo định nghĩa là các vi khuẩn sống khi đưa vào cơ thể với số lượng đủ sẽ sinh ra các hiệu quả có lợi cho sức khỏe. Các chế phẩm probiotics ( trong dân gian thường gọi là men tiêu hoá) không phải là thuốc, mà được xếp vào nhóm chất bổ sung dinh dưỡng.

Các nhà khoa học cho rằng trong ống tiêu hóa của loài người có thường trú một hệ vi sinh vật, số lượng rất lớn (nhiều bằng dân số đã sống trên thế giới), trong đó có hơn 400 loài vi khuẩn khác nhau, sống chung với nhau tạo thành hệ sinh thái ổn định, cân bằng và là hàng rào bảo vệ, giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh đường ruột cũng như duy trì một số hoạt động chuyển hóa của cơ thể.

   Lịch sử :

   Elie Metchmikoff (1845-1916), nhà khoa học  Nga, cha đẻ của ngành miễn dịch học hiện đại, người từng đoạt giải Nobel đã đưa ra khái niệm Probiotics vào năm 1908. Khoảng  năm 1965 Lilly và Stillwell đã đưa ra thuật ngữ Probiotic để đối lập với thuật ngữ Antibiotic. Vào những năm thập niên 70, thuật ngữ Probiotic được sử dụng theo khái niệm như hiện nay.

   Dr. Michael L. McCam: “ probiotic là thuốc của thế kỷ 21 giống như kháng sinh và ngành vi sinh học là của thế kỷ 20.”

   Phân loại:

   Có nhiều loại vi khuẩn sống có lợi cho sức khỏe đã được nghiên cứu như : L.acidophilus, L. caucasicus, L. johnsonii, L. lactis, L. leichmannii, L. paracasei, L. plantarum, L. reuteri, L. rhamnosus, B. lactis (B. animalis), B. licheniformis, B. longum, B. clausii, B. subtilis,  Enterococcus faecium, Pediococcus acidilactici, Streptococcus thermophilus … nói chung nhóm vi khuẩn được chia làm 2 nhóm chính : nhóm sinh axit lactic và nhóm không sinh axit lactic. Ngoài ra còn có các loại nấm như: Saccharomyces boulardii, Saccharomyces cerevisiae.

   Cần lưu ý không phải loại chế phẩm nào có nhãn ghi probiotics cũng có hiệu quả như nhau vì mỗi dòng vi khuẩn  có tác dụng khác nhau đối với các loại bệnh khác nhau.

   Các chế phẩm probiotics không phải là yaourt. Trong yaourt cũng có các vi khuẩn lên men (tên thông dụng gọi là yaourt cái) nhưng các vi khuẩn này không sống và tăng trưởng trong cơ thể.

   Tác dụng:

   1. Hiệu quả trên người bệnh (Probiotics được sử dụng như  thuốc)

   1.1. Nhiều nghiên cứu cho thấy có hiệu quả

      · Tiêu chảy ở người lớn: Lactobacillus reuteri, Lactobacillus GG, L casei, L acidophilus, S boulardi*

      · Tiêu chảy ở trẻ em: Lactobacillus acidophilus, L casei, L GG, Bifidobacteria*

      · Tiêu chảy do sử dụng  kháng sinh: L plantarum, S boulardi, L GG*

      · Điều hòa miễn dịch: L acidophilus, L plantarum, B lactis, L GG, L johnsonii*

   1.2.Một số  nghiên cứu cho thấy có hiệu quả

      · Xạ trị: VSL#3

      · Viêm âm đạo: Lactobacillus acidophilus

      · Viêm loét đại tràng: E coli (Nissle), Bifidobacteria và Lactobacillus, VSL#3

      · Hội chứng ruột kích thích: L plantarum, VSL#3

   1.3. Hiệu quả được ghi nhận nhưng chưa có nhiều bằng chứng mạnh

      · Bất dung nạp lactose: L acidophilus, B longum*

      · Táo bón: L casei, L reuteri, L GG, B animalis, S cerevisiae

      · H pylori : L johnsonii, L GG, L gasseri, L casei

      · Bệnh Crohn: E coli (Nissle), S Boulardi, LGG

      · Nguy cơ bệnh tim mạch: L acidophilus, L plantarum*

   2. Probiotics và người có sức khỏe bình thường:

   Đối với người bình thường, khỏe mạnh hiện chưa có nghiên cứu nào đủ mạnh để  xác định hiệu quả của việc sử dụng lâu dài các chế phẩm probiotics.

   Tác dụng có hại:

   Nói chung các chế phẩm probiotics rất an toàn, không có tác dụng phụ đáng kể trên cơ địa miễn dịch bình thường.

   Cách dùng:

   Để các sinh phẩm đạt tác dụng hữu hiệu nhất, nên dùng ít nhất 2 giờ sau mỗi cữ kháng sinh. Nên dùng trong bữa ăn hoặc ngay sau ăn vì thức ăn pha loãng dịch dạ dày sẽ làm các sinh phẩm này xuống ruột non an toàn.

Bác sĩ Hoàng Lê Phúc
Trưởng khoa Tiêu hóa BV Nhi Đồng 1
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"