Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 14:51, 2/7/2018
108 lượt đọc

Những điều cần biết về phỏng do nhiệt ướt ở trẻ em

Phỏng là một trong những tai nạn thường gặp, xảy ra quanh năm nhưng đặc biệt tăng cao vào những dịp nghỉ lễ hay nghỉ hè. Trong khoảng thời gian này, khi người lớn vẫn tất bật với công việc thường ngày thì đây là lúc vui chơi của trẻ em. Tuy nhiên, khi không được trông chừng cẩn thận, trẻ nhỏ với bản năng khám phá thường không ý thức được những mối nguy hiểm quanh mình, dẫn đến tai nạn đáng tiếc. Hiểu rõ, sơ cứu đúng, kịp thời và có biện pháp phòng ngừa hợp lý sẽ làm giảm nguy cơ phỏng ở trẻ em, đồng thời hạn chế biến chứng và di chứng do phỏng gây ra.

1. Phỏng và những nguyên nhân gây phỏng thường gặp.

   Phỏng là tổn thương da, mô dưới da hoặc mô tạng gây ra do nhiệt (nước sôi, đồ ăn nóng, kim loại nóng, lửa) hay các yếu tố khác như: chất phóng xạ, điện năng, sự ma sát, hóa chất (acid hoặc base). 

   Ở trẻ em phỏng do nhiệt ướt là nguyên nhân thường gặp nhất. So với các nguyên nhân khác, nhiệt độ gây phỏng thường không cao, có thể do nước sôi, thức ăn/thức uống nóng, dầu mỡ sôi, hơi nước từ lò áp suất,.

   Dựa vào độ sâu của tổn thương da người ta chia phỏng thành 4 độ:

          - Độ I: Phỏng thượng bì, tổn thương trên bề mặt của da, không gây tổn thương lớp tế bào đáy. Phỏng độ I thường gây khô da, đỏ da, đau tại chỗ và chuyển sang màu trắng khi ấn. Thông thường, phỏng độ I sẽ tự lành sau 3 đến 6 ngày mà không để lại sẹo.

          - Độ II: Phỏng toàn bộ lớp thượng bì, chỉ còn lại một phần lớp tế bào đáy. Phỏng độ II gây đau ngay cả khi có sự chuyển động của không khí (gió), hay thay đổi nhiệt độ, đỏ da, tụt da, rỉ dịch, tạo bóng nước và chuyển sang màu trắng khi ấn. Phỏng độ II có thể tự lành sau 7 đến 21 ngày, để lại vùng da sậm màu hay nhạt màu và có thể tạo sẹo.

          - Độ III: Phỏng lớp trung bì và lớp dưới da. Phỏng độ III gây đau nhiều, dữ dội, luôn gây tụt da hay tạo bọng nước và không chuyển sang màu trắng khi ấn. Phỏng độ III cần thời gian dài để lành, thường hơn 21 ngày và có nguy cơ gây sẹo cao.

         - Độ IV: Phỏng lớp mỡ, cân, cơ hoặc xương. Phỏng độ IV không gây đau, vùng tổn thương trắng nhợt hoặc tím tái. Phỏng độ IV không thể tự lành nếu không điều trị đặc hiệu và luôn để lại sẹo.

  

Hình ảnh phân độ phỏng

 

2. Sơ cứu phỏng nhiệt ướt như thế nào?

   Khi bị phỏng, trẻ cần được sơ cứu nhanh chóng và đúng cách để tránh những hậu quả đáng tiếc. Sơ cứu phỏng không khó, nhưng cần được thực hiện đúng và tránh những sai lầm theo kinh nghiệm dân gian.

   Những bước sơ cứu nhanh cho trẻ phỏng bao gồm:

         - Nhanh chóng đưa trẻ đến vị trí an toàn: việc sơ cứu phải được thực hiện sau khi đưa trẻ ra xa nguồn nhiệt gây phỏng để tránh gây thêm tổn thương trong quá trình sơ cứu.

         - Nhanh chóng kiểm tra nhịp tim và nhịp thở của trẻ. Nếu cần, phải thực hiện hồi sức tim phổi căn bản ngay lập tức.

         - Dọn sạch vùng da bị phỏng: cởi bỏ quần áo của trẻ để bộc lộ vị trí phỏng. Nếu quần áo dính chặt vào vùng da bị phỏng thì không cố gắng cởi ra mà nên nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Tháo bỏ trang sức hoặc những vật dụng có thể gây siết chặt, chèn ép vùng bị phỏng.

         - Làm mát vùng da bị phỏng: dội nước lạnh hoặc dùng khăn sạch, ẩm đắp lên vị trí phỏng.

         - Hạn chế nhiễm trùng tại chỗ: che phủ tốt vùng phỏng bằng gạc hay khăn sạch.

         - Đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế gần nhất. Lưu ý phải nhanh chóng đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế gần nhất khi có các dấu hiệu sau:

                   + Phỏng ở trẻ nhỏ hơn 1 tháng tuổi.

                   + Phỏng ở những vị trí đặc biệt: vùng bàn tay - bàn chân, vùng mặt, vùng mông/ bộ phận sinh dục.

                   + Phỏng sâu từ độ II trở lên hoặc diện tích phỏng rộng.

Nhanh chóng làm mát vùng da bị phỏng

   Những việc cần tránh khi sơ cứu trẻ phỏng:

         - Làm mát vùng phỏng bằng nước đá vì có thể gây tổn thương sâu hơn.

         - Ngâm trẻ quá lâu trong nước có thể dẫn đến hạ thân nhiệt.

         - Bôi nước mắm, trứng, mỡ trăn hoặc những chế phẩm không rõ nguồn gốc có thể làm tổn thương sâu hơn và tăng nguy cơ nhiễm trùng vết phỏng.

3. Các biện pháp phòng ngừa phỏng do nhiệt ướt cho trẻ em

   Phỏng là tai nạn thường gặp nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được, giúp giảm tỉ lệ trẻ nhập viện đồng thời hạn chế biến chứng và di chứng do phỏng gây ra.

Không để thức uống nóng ở vị trí dễ ngã đổ

   Những biện pháp đơn giản có thể thực hiện tại nhà như:

         - Giữ trẻ ra xa khỏi nguồn có thể gây phỏng:

                  + Không để trẻ chơi ở bếp hoặc khu vực nấu ăn.

                  + Không để trẻ một mình trong phòng tắm có nguồn nước nóng.

         - Không để những vật dụng đựng thức ăn, thức uống nóng ở vị trí cao, dễ ngã đổ.

         - Khi pha nước tắm trẻ, nên bắt đầu và kết thúc pha bằng nước lạnh, đồng thời trước khi tắm trẻ phải kiểm tra trước nhiệt độ của nước.

BS Nguyễn Tiến Khoa
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"