Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 17:24, 1/9/2018
178 lượt đọc

Hiểu về trái tim

Không khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác, tuổi thơ tôi gắn liền với những tháng ngày đi từ bệnh viện này đến nhà thương kia cùng ánh mắt lo âu của mẹ. Có lẽ vì thế mà ước mơ trở thành bác sĩ luôn thôi thúc trong tôi, một đứa trẻ với trái tim không nguyên vẹn. Hôm nay, khi tiếp xúc với một phụ nữ có con mắc bệnh tim bẩm sinh, nhìn chị và nét thơ ngây của đứa trẻ, bất chợt ký ức ngày xưa tràn về. Tôi nhớ mẹ, nhớ những lúc bà rưng rưng nước mắt khi nói chuyện với bác sĩ và ánh mắt tràn đầy hy vọng khi nghe ông giải thích về bệnh tình của tôi. Đến bây giờ tôi vẫn không thể quên được câu chuyện mà mẹ tôi và ông ấy đã trao đổi cũng như những gì bà đã làm cho tôi. Tất cả mọi thứ chỉ như mới ngày hôm qua…

  

Khi sinh ra, tôi không khóc to như những đứa trẻ cùng phòng mà chỉ oe oe vài tiếng yếu ớt. Lúc ấy, người nữ hộ sinh đã trấn an mẹ rằng có lẽ vì bị ngạt nên tôi mới thế, từ từ rồi cũng sẽ khỏe thôi…Nhưng mọi chuyện không tốt đẹp như cô ấy đã dự đoán. Mẹ đã lo lắng nhiều khi thấy tôi thở không giống chị hai tôi. Cách tôi thở rất bất thường, thở nhanh, lồng ngực rút lõm mỗi khi hít vào. Mẹ thường phải bỏ ngang công việc để đưa tôi đến bệnh viện vì hay bị ho, khò khè do viêm phổi hay nhiễm trùng đường hô hấp.
Vào thời bao cấp, với đồng lương giáo viên ít ỏi, mẹ đã cố gắng mua thêm sữa và thức ăn cho riêng tôi với hy vọng có đầy đủ dinh dưỡng tôi sẽ chóng lớn và khỏe mạnh hơn. Mặc những nỗ lực của mẹ, tôi cứ như cây kiểng, còi cọc chẳng chịu lớn, da xanh xao, thường xuyên đổ nhiều mồ hôi như một trẻ thiếu ăn. Có lẽ vì không chịu bú và ăn uống kém nên tôi phát triển rất chậm, mọc răng, biết lật, biết ngồi,đi đứng đều chậm hơn những đứa trẻ khác.
Dù không mắc bệnh, nhưng tim mẹ vẫn đau thắt mỗi khi nhìn vào đôi môi tái, ngón tay và ngón chân tím bầm phình ra như cái dùi trống của tôi. Mẹ xót xa khi thấy tôi khó thở, tím người mỗi lần khóc, vặn vẹo hay đau ốm… Cuộc sống của tôi và mẹ cứ trôi qua một cách vô vọng như thế cho đến ngày mẹ gặp được ông, vị bác sĩ già đáng kính, người đã khơi lên trong tôi ước mơ làm bác sĩ thật mãnh liệt…
Tôi còn nhớ rất rõ lần đầu tiên tìm đến phòng khám của ông, mẹ tôi đã khóc rất nhiều cứ như chính mẹ là người đem đến sự đau đớn cho tôi vậy. Ông kiên nhẫn lắng nghe tất cả những gì mẹ nói với ánh mắt cảm thông và đầy trìu mến như một người cha. Khi mẹ ngừng khóc, ông giải thích cho mẹ nguyên nhân tại sao một đứa trẻ lại mắc bệnh tim bẩm sinh. Với chất giọng trầm của mình, ông đã giúp lòng mẹ tôi ấm lên qua từng câu nói. Những nếp nhăn trên trán của mẹ như dãn dần ra khi nghe ông nói lý do tại sao trẻ bị khiếm khuyết ở tim còn rất nhiều bàn cãi. Nhiều ý kiến cho rằng tác động xấu của môi trường, di truyền, đột biến nhiễm sắc thể, mẹ bị mắc bệnh tiểu đường, nhiễm virus (Rubella) hay dùng thuốc không hợp lý trong thời kỳ mang thai là những yếu tố nguy cơ khiến trẻ sinh ra bị mắc bệnh tim bẩm sinh.
Khi nghe bác sĩ nói đến đây, mẹ tôi lại lo lắng liệu nếu có thai tiếp tục những đứa em của tôi có bị mắc bệnh tim không?. Như hiểu được tâm trạng của mẹ, ông tiếp lời: “Thật ra tỷ lệ trẻ sinh ra mắc bệnh tim tương đối thấp, chỉ có khoảng 8 trong mỗi 1000 trẻ chào đời có vấn đề về tim mạch. Để hạn chế khả năng sinh con có bệnh tim bẩm sinh, bà mẹ cần phải được chăm sóc sức khỏe trước và trong khi mang thai thông qua việc ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, không uống rượu, không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng thuốc khi mang thai, chỉ uống thuốc khi thật sự cần thiết theo chỉ định của bác sĩ. Trước khi mang thai cần chích ngừa phòng bệnh, hạn chế tiếp xúc với người mắc bị nhiễm virus Rubella. Herpes, Coxsackie, quai bị, Cytomegalovirus…Nếu có bệnh mãn tính như tiểu đường, lupus đỏ… thì cần phải điều trị ổn định trước khi mang thai. Trong quá trình mang thai cần khám thai định kỳ để được chăm sóc sức khỏe và theo dõi tình trạng phát triển của thai nhi nhằm phát hiện và điều chỉnh sớm những vấn đề bất thường trong suốt thai kỳ”.
Gặp được bác sĩ, nhìn mẹ tôi vui như đất hạn gặp mưa rào. Bao thắc mắc mẹ chất chứa bấy lâu đều được ông giải thích cặn kẽ. Ông đã cho mẹ biết tim bẩm sinh gồm nhiều khiếm khuyết thường gặp như thông liên thất, thông liên nhĩ, còn ống động mạch, tứ chứng Fallot, hẹp van động mạch phổi, hẹp eo động mạch chủ, kênh nhĩ thất, thất phải hai đường ra, chuyển vị đại động mạch, bệnh Ebstein, không lỗ van ba lá, tâm thất độc nhất. Để dễ biết, được chia làm hai nhóm là nhóm bệnh tim bẩm sinh không tím (trẻ không bị tím da niêm) và nhóm bệnh tim bẩm sinh tím (trẻ bị tím da niêm). Tùy theo từng khiếm khuyết mà cách điều trị sẽ khác nhau như trẻ chỉ theo dõi định kỳ không cần sử dụng thuốc, trẻ phải dùng thuốc đặc trị đều đặn hay phẫu thuật.
Sau buổi nói chuyện với bác sĩ, mẹ tôi lạc quan hẳn bởi vì giờ đây bà biết tôi có thể sống, vui chơi và học tập như bao đứa trẻ khác nếu được chăm sóc đúng cách và tuân thủ theo điều trị của bác sĩ. Nhớ lời ông dặn, mẹ luôn cố gắng cho tôi ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng với những thức ăn giàu năng lượng. Để tôi không cảm thấy chán và mệt mỏi khi ăn uống, mẹ đã liên tục thay đổi thực đơn và chia nhỏ thức ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Mẹ thường khuyến khích tôi vệ sinh răng miệng sạch sẽ và thông báo tình trạng bệnh với nha sĩ để tôi được uống kháng sinh ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm trùng trước mỗi lần nhổ răng. Bên cạnh việc đưa tôi tái khám ở khoa tim mạch định kỳ, mẹ không bao giờ cho tôi dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Mỗi lần tôi ốm mẹ đều hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chở tôi đến bệnh viện. Mặc dù có bệnh tim, nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy mặc cảm vì sức khỏe của mình bởi vì tôi luôn nhận được sự chia sẻ của mẹ. Mẹ vẫn cho tôi chơi đùa cùng bạn bè nhưng dặn tôi tránh chạy nhảy hay la hét nhiều. Nhờ sự động viên của mẹ, tôi có thể tự mình thực hiện tất cả mọi sinh hoạt hàng ngày và chỉ nhờ người khác giúp đỡ khi công việc nặng nhọc đòi hỏi phải gắng sức nhiều…
Nhờ tình thương của mẹ và sự tận tình chữa trị của bác sĩ, tôi đã có thể sống vui vẻ và có ý nghĩa cho đến bây giờ. Hôm nay tôi đang làm việc giống như vị ân nhân đã làm cách đây gần ba mươi năm. Có thể kiến thức của tôi chưa thể sâu rộng như ông nhưng tôi mong muốn rằng với tất cả tâm huyết của mình, tôi có thể mang lại niềm tin cho người phụ nữ và đứa trẻ đang ngồi trước mặt và nhiều bà mẹ có con bị mắc bệnh tim khác nữa… "Cuộc sống không bao giờ là ngõ cụt khi ta luôn có khát vọng vươn lên", tôi luôn tin như thế…

BS Phạm Đình Nguyên – P. Kế hoạch Tổng hợp
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"