Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 9:49, 20/6/2018
3237 lượt đọc

Giúp trẻ hiểu lời nói trước khi biết nói

Lời nói hàng ngày trẻ sẽ dùng là biểu hiện của ngôn ngữ trong cuộc sống. Đây là hệ thống những biểu tượng bằng âm thanh mà trẻ dùng để giao tiếp với xung quanh, là cách để trẻ tiếp nhận và chuyển tải thông tin. Hệ thống nầy bao gồm:

- Đầu vào (tiếp nhận): nhận thông tin qua các giác quan.

- Đầu ra: lời nói, cử chỉ hoặc chữ viết.

- Kết nối: liên thông đầu vào và đầu ra hoạt động cùng với nhau.

Ở đầu vào, còn gọi là tiếp nhận ngôn ngữ là những gì trẻ thấy, nghe và những thông tin trẻ tiếp nhận. Tiếp nhận ở đầu vào quan trọng là trẻ thấu hiểu ngôn ngữ của người khác, biết được người đang nói muốn gì ở trẻ. Điều nầy càng phát triển khi có kỹ năng nầy giúp những kỹ năng kế tiếp liên tục hình thành. Ngay khi một kỹ năng đầu tiên phát triển, nó cho phép những kỹ năng khó hơn cũng được phát triển. Kỹ năng tiếp nhận ngôn ngữ bắt đầu từ khi trẻ sinh ra và gia tăng dần theo mỗi giai đoạn phát triển.

Ở trình tự bình thường của tiếp nhận ngôn ngữ ngay từ sơ sinh trẻ đã có những đáp ứng với âm thanh. Tiếng ồn và những âm thanh đột ngột có thể khiến cho bé giật mình. Trong vòng vài tuần đầu sau khi sinh, bé có thể phân biệt giữa những âm thanh vui sướng và giận dữ. Điều này có thể thấy được khi bé biểu hiện trên gương mặt và nhất là miệng như muốn nói  để đáp ứng với âm thanh vui vẻ.

Tất nhiên, tiếp nhận ngôn ngữ ban đầu là tiếp nhận thính giác. Trẻ liên tưởng đối với mình, nguồn âm thanh xuất hiện có ý nghĩa gì. Lúc 6 tháng tuổi, bé nhìn xung quanh để tìm nguồn âm thanh. Lúc 9 tháng tuổi, bé đáp ứng với từ “không”. Khi được 1 tuổi, bé có thể làm theo được những chỉ dẫn đơn giản.

Sau đây là một số mốc trong quá trình phát triển tiếp nhận ngôn ngữ:

  • Tháng thứ 1: Đáp ứng với âm thanh.
  • Tháng thứ 2: Mắt nhìn theo cử động.
  • Tháng thứ 3: Thủ thỉ để đáp lại âm thanh vui vẻ.
  • Tháng thứ 4: Quay đầu về phía có nguồn âm thanh.
  • Tháng thứ 5: Đáp ứng lại với tên của mình.
  • Tháng thứ 6: Nhận biết những từ như cha, mẹ và tạm biệt.
  • Tháng thứ 7: Biểu hiện sự thích thú với âm thanh của sự vật.
  • Tháng thứ 8: Nhận biết được tên của một số đồ vật phổ biến.
  • Tháng thứ 9: Làm theo được những chỉ dẫn đơn giản từ âm thanh (như “Con đi tìm trái banh đi”, “Đưa cho ba trái banh đó đi”,…)
  • Tháng thứ 10: Hiểu được ý nghĩa của các từ mang ý nghĩa ngăn cản như “không”, “dừng lại”, “đừng”,…
  • Tháng thứ 11: Hiểu được những câu hỏi đơn giản như “Trái banh ở đâu rồi con?
  • Tháng thứ 12: Nhận biết tên của các đồ vật, người, thú nuôi và những động từ chỉ hành động khác.
  • Tháng thứ 13 - 18: Hiểu được một số từ mới mỗi tuần; nhận biết được tranh trong sách; nhận biết một số bộ phận cơ thể; nhận biết một số đồ vật thông thường.
  • Tháng thứ 19 - 24: Nhận biết nhiều đồ vật thông thường và tranh ảnh khi gọi tên. Hiểu được sự sở hữu (“Cuốn sách của con ở đâu rồi?”); làm theo được các chỉ dẫn đơn giản.
  • Tháng thứ 25 - 30: Hiểu được công dụng của đồ vật; hiểu được các từ mang ý nghĩa vị trí (ở trong, ở trên, ra khỏi, bên ngoài, phía trên, phía dưới,…); hiểu được những câu hỏi đơn giản; hiểu được những từ nhân xưng (tôi, của tôi,...)
  • Tháng thứ 31 - 36: Lắng nghe những câu chuyện đơn giản, làm được theo hai chỉ dẫn, hiểu được thứ tự lần lượt.

Vậy chúng ta có thể làm gì để giúp trẻ phát triển tiếp nhận ngôn ngữ? Kích thích tiếp nhận ngôn ngữ là điều rất thú vị, nhất là khi chúng ta ngắm nhìn, trao đổi với trẻ. Chúng ta có thể luyện ngôn ngữ cho bé thông qua những công việc hàng ngày, nhưng đừng bao giờ ép buộc nếu bé phản kháng. Hãy chọn thời gian lúc trẻ háo hức muốn biết nhất. Khi tắm, kể chuyện với trẻ  là thời gian giao tiếp tự nhiên mà bé có thể phát triển khả năng tiếp nhận ngôn ngữ một cách tốt nhất.

Chúng ta không cần phải dành thời gian đặc biệt cho việc luyện ngôn ngữ cho bé. Mỗi lần trong hoạt động hàng ngày chúng kích thích tiếp nhận ngôn ngữ là đồng nghĩa với giúp trẻ học tập thêm về ngôn ngữ rồi. Chất lượng thời gian dành cho trẻ quan trọng hơn là số lượng.

Sau đây là một số việc mà chúng ta có thể làm:

- Nói chuyện ngang hàng: Nói về những hoạt động của trẻ và của những người khác. Nói với trẻ khi trẻ đang chơi, cưỡi xe, tắm, hoặc đang thực hiện những hoạt động ưa thích nào đó. Việc này giúp trẻ học tập nhanh chóng bằng cách liên hệ những gì mà bé thấy, nghe, làm và cảm nhận âm thanh những từ để mô tả nó.

- Mở rộng từ đầu vào sang đầu ra ngôn ngữ: Khi con của bạn nói hoặc chỉ vào đồ vật, bạn hãy bảo bé bắt chước âm thanh và sau đó cho bé biết tên của đồ vật đó.

- Kiểm soát tốc độ nói và nhấn mạnh: Hãy nói với tốc độ mà trẻ có thể hiểu được. Chúng ta cần nói chậm hơn bình thường. Nhấn mạnh những từ mà chúng ta đang muốn dạy cho trẻ hiểu bằng cách nói to hơn, kéo dài hơn hoặc âm cao hơn. Có thể tạo ra âm thanh rõ ràng mà không quá mức để trẻ có thể tiếp nhận được.

- Nói dài hơn: Mở rộng chủ đề nói bằng cách thêm vào những thông tin liên quan về bất cứ điều gì mà bé đang nói tới. Nếu con của bạn chỉ vào con chó, bạn có thể nói về việc con chó thích gì hoặc ăn gì.

Cần lưu ý đừng hỏi trẻ quá nhiều câu hỏi. Thảo luận về những hoạt động của bé, nói rõ ràng sẽ cung cấp được nhiều thông tin hơn. Mặt khác, đừng làm cho trẻ bắt chước tất cả những từ mà bạn sử dụng. Sự kích thích ngôn ngữ nên vui vẻ, chứ không phải là một công việc đơn điệu theo công thức, làm trẻ nhàm chán và chậm tiếp nhận.
BS Lê Minh Thượng
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"