Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 16:22, 28/4/2020
5 lượt đọc

Giản cách xã hội hợp lý & phòng ngừa chuẩn: Bước đi trường kỳ trong "Cuộc chiến chống CôVy"

Hơn 3 tháng đã qua, nếu như được hỏi có điều gì đã tạo ra sự quan tâm và cũng gây nên sự hỗn loạn nhất trên Thế giới, thì có lẽ ở bất kỳ nơi nào, bất kể lứa tuổi nào cũng đều có chung một câu trả lời: CoViD-19. Và “tác giả” của sự kiện đó, không ai khác hơn là SARS-CoV2. Đã hơn 2 tuần trôi qua, khi dịch CoViD-19 ở Việt Nam chuyển sang giai đoạn lây nhiễm cộng đồng, cả nước cùng chung sức chung lòng thực hiện “cách ly xã hội” theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp theo sau đó có 12 tỉnh thành tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện, vì nguy cơ đối với CoViD-19 vẫn còn ở mức cao. Và giờ đây, dù đã chuyển sang giai đoạn bắt đầu thực hiện “nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội một cách thận trọng”. SARS-CoV2, kẻ thù vô hình vẫn còn đâu đó trên thế giới này nên cuộc chiến vẫn còn phải tiếp diễn, nếu không muốn nói là sẽ trường kỳ. Bởi vì, Việt Nam dù “đã thắng vài trận đánh”, nhưng không thể nào một mình ung dung về đích. Đối với dịch bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao nói chung và CoViD-19 nói riêng, trong điều kiện của thế giới phẳng ngày nay, chắc là chỉ có một con đường duy nhất: ĐOÀN KẾT & HỢP TÁC ĐỂ CÙNG NHAU VỀ ĐÍCH.

CoViD-19 đã tạo ra bao mất mát cho Thế giới, khi đang ở trong một giai đoạn chuyển tiếp đầy năng động của mùa xuân. Nó làm cho nhịp sống và hoạt động thường ngày “bỗng như ngừng lại”, nhưng cũng có vài lĩnh vực đột phá rất nhanh như công nghệ thông tin chẳn hạn. Nhưng nếu suy ngẫm ở một góc độ khác, nó cũng mang đến cơ hội (dù là bắt buộc) để chúng ta sống chậm lại một tí và suy ngẫm, để kiểm chứng năng lực ứng phó thảm họa của cả thế giới này với những “kẻ thù vô hình mới”, để cùng trải nghiệm về những khoảnh khắc của những nhà lãnh đạo quyết đoán, của tinh thần trách nhiệm, của tình thương và lòng bao dung đầy trắc ẩn, và dĩ nhiên không thể thiếu là tinh thần đoàn kết toàn dân và toàn cầu trong hoạt động chống dịch (dù có thể còn đâu đó, nhưng chắc là ít thôi, những “cảnh” hoàn toàn trái ngược).

Sẽ ít thời gian nữa thôi, nhịp sống thường ngày rồi vẫn phải trở lại, vì cái mà người ta thường gọi là “cơm áo gạo tiền”. Nhưng chắc là sẽ có và cần một ít thay đổi gì đó, để phù hợp với thời cuộc, cùng chung tay thực hiện phương châm “trường kỳ kháng chiến” chống CoViD, nhưng vẫn đảm bảo lao động sản xuất và dịch vụ. Người ta rồi sẽ và còn bàn câu chuyện dài hơn nữa về mặt trái của toàn cầu hóa, của thế giới phẳng, của sự lệ thuộc lẫn nhau giữa các nước và hậu quả khi gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Có thể tâm lý tự tôn dân tộc ở một vài nơi trên Thế giới sẽ trỗi dậy trong ngắn hạn, cùng với những chiến lược phòng bị giữa các nước và thêm nhiều thứ nữa… Nhưng có lẽ, điều đáng phải quan tâm trước hết ở mỗi người là cần phải thay đổi lối sống, chí ít là trong ngắn hạn, để giảm bớt rủi ro. Điều chúng tôi muốn nói đến chính là tự giác thực hiện “Phòng ngừa chuẩn” và “Giãn cách xã hội” một cách hợp lý. Phòng ngừa chuẩn (như rửa tay, mang khẩu trang,…) không phải là thứ gì đó xa lạ ở các cơ sở y tế lâu nay, nhưng giờ đây với Covid-19, nó đòi hỏi cần thực hiện phòng ngừa chuẩn ở mức nghiêm ngặt và rộng rãi hơn: TOÀN XÃ HỘI.

CoViD-19 đến, cũng là dịp để chúng ta suy ngẫm về giá trị của những biện pháp phòng bệnh thiết yếu và trở về với những điều cơ bản nhất, để tạo lập một nền móng mới vững chắc hơn cho sức khỏe và cuộc sống. Và biết đâu, nhờ thay đổi thói quen và lối sống trong thời kỳ CoViD sẽ giúp giảm bớt nhiều bệnh khác, nhất là bệnh có liên quan đến vệ sinh thường ngày như rửa tay chẳn hạn. Hy vọng những bệnh được gọi là lưu hành hiện nay như bệnh tay chân miệng ở trẻ sẽ sớm chuyển sang “giai đoạn suy thoái” nhờ những phong trào trong thời CoViD đã được chuyển thành thói quen: “NGƯỜI NGƯỜI & NHÀ NHÀ VỆ SINH TAY” và vệ sinh bề mặt.

Dù đã có rất nhiều ca khúc về chủ đề phòng chống CoViD-19, một số đã rất nổi tiếng. Nhóm soạn thảo và trình bày vẫn muốn giới thiệu thêm một tác phẩm mới vào bộ sưu tập CoViD-19 dành cho các bạn, nhằm góp phần chuyển tải THÔNG ĐIỆP CỤ THỂ và HÀNH ĐỘNG CỤ THỂ hướng về những điều cơ bản nhất của “Phòng ngừa chuẩn” và “Giãn cách xã hội”. Nếu bạn thấy thông điệp có ích, hãy “LÀM & LAN TỎA cho tất cả mọi người”.

 

Chân thành cảm ơn:

Lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng 1

Nhạc sỹ: HÀ CHƯƠNG

Ca sỹ: NGỌC MAI – HÀ CHƯƠNG

Tập thể Nhóm múa NHI ĐỒNG 1

Đạo diễn: TẤN LANH

Quay phim: MINH NGÀ – QUỐC TRUNG

Dựng phim: TẾ NHỊ, Phòng thu SƠN CA

và người đã kết nối tất cả mọi người: Nghệ sỹ - Thầy giáo Nguyễn Thế Vinh

đã ủng hộ, cho phép, phối hợp và hỗ trợ trong quá trình thực hiện.

ThS. BS Đỗ Văn Niệm
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"