Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 9:28, 5/7/2018
591 lượt đọc

Đúng hay chưa đúng

Đôi khi bạn sẽ lấy làm lạ khi đưa trẻ đi khám bệnh ở một bệnh viện lớn hay một phòng khám quốc tế với phí dịch vụ rất cao nhưng lại được bác sĩ tư vấn những phương pháp không dùng thuốc để cải thiện tình trạng sức khỏe hay bảo” đừng uống gì cả, cứ đợi đi sẽ hết,…” thay vì đưa ra một đơn thuốc dài ngoằn với nào là kháng sinh, kháng viêm và nhiều thứ thuốc khác. Có thể lúc đó bạn sẽ không hài lòng vì nghĩ rằng mình đã mất nhiều thời gian và tiền bạc để nghe những điều đã biết trong khi đang cần một đơn thuốc thật hiệu quả để bé có thể lành bệnh ngay tức thì. Trong Y khoa ranh giới của cái đúng và cái chưa đúng không cách nhau xa.Khó có thể nói bác sĩ này là đúng, bác sĩ kia là sai bởi lẽ mặc dù đều dựa trên những nguyên tắc nền tảng chung nhưng mỗi bác sĩ sẽ nhìn nhận ở một góc độ khác nhau để quyết định điều trị theo quan điểm và kinh nghiệm riêng của mình. Làm sao để đừng hoang mang và tin chắc rằng những thiên thần nhỏ của mình luôn được điều trị và chăm sóc đúng đắn mỗi khi đau ốm?

Có hay không bác sĩ nuôi bệnh

“Ông bác sĩ này nuôi bệnh quá” là câu nói mà nhiều người thường dùng nếu chẳng may phải uống thuốc quá lâu mà chưa khỏi bệnh. Thật ra chẳng có bác sĩ nào muốn nuôi bệnh và bản thân họ cũng không thể làm được điều đó nếu muốn. Bác sĩ có “tiếng lành đồn xa” là mong muốn của bản thân thầy thuốc. Nếu chữa không hay, bệnh nhân sẽ tìm đến nơi khác và không giới thiệu những người thân quen đến điều trị nữa.Cứ như vậy thì phòng khám sẽ không có ai đến và như tục ngữ nói “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Nghệ không tinh thì thân sẽ ra sao? Lúc đó, lấy khả năng đâu mà “nuôi bệnh”.

Về chuyên môn, rất nhiều bệnh có cùng một triệu chứng giống nhau nhưng độ nặng nhẹ và thời gian điều trị lại khác nhau. Đôi lúc bạn sẽ thấy bác sĩ của bạn chữa ho ba ngày đã hết trong khi lại nghe người khác nói vị này trị mỗi cái ho mà ba tuần chẳng xong. Ngoại trừ những tình huống cấp cứu nếu không can thiệp khẩn cấp thì sẽ ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh, đa số những trường hợp còn lại dường như bác sĩ khó có khả năng chữa lành tức thì. Những gì họ có thể làm dịu đi những khó chịu của bệnh nhân bằng thuốc điều trị triệu chứng, sử dụng thuốc đặc trị (nếu có) để tiêu diệt mầm bệnh, giảm thiểu nguy cơ tiến triển nặng hoặc biến chứng và cùng người bệnh… đợi đến khi hết bệnh vì “thời gian là liều thuốc chữa lành mọi vết thương”.

 

Thuốc đắng nhưng không dã tật

Khi đưa trẻ đi khám bệnh, mọi người thường mong muốn được bác sĩ cho trẻ dùng thuốc tốt nhất. Điều này là một yêu cầu hoàn toàn chính đáng. Nhưng làm sao để biết thuốc nào tốt nhất luôn là một câu hỏi khó có lời giải đáp chính xác. Có lẽ vì vậy mà chúng ta cho rằng thuốc càng mắc tiền càng tốt nên hay bảo với bác sĩ “cho cháu thuốc tốt tốt nhe bác sĩ, mắc tiền cũng được…”. Nhưng sự thật thì thuốc rẻ chưa hẳn đã dở và thuốc mắc chưa chắc đã hay. Thuốc chỉ thật sự tốt khi được sử dụng đúng người, đúng bệnh.

Một số bác sĩ và cha mẹ thường có khuynh hướng dùng kháng sinh mỗi khi trẻ ốm. Nhưng hầu hết nguyên nhân gây những bệnh thông thường ở trẻ em đều không cần thiết phải sử dụng kháng sinh. Việc sử dụng kháng sinh bừa bãi không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, hao tốn tiền bạc mà còn làm tăng khả năng tạo ra những chủng vi khuẩn kháng thuốc nguy hiểm cho cộng đồng.

Thuốc kháng viêm rất cần thiết để điều trị những bệnh đặc biệt như rối loạn miễn dịch, viêm khớp, thận hư,… Tuy nhiên, do có nhiều tác dụng phụ nên thuốc cần được cân nhắc khi chỉ định cũng như phải theo dõi sát trong và sau thời gian dùng thuốc. Thuốc kháng viêm có khả năng làm giảm nhanh triệu chứng trong một số bệnh lý khác nên nhiều người đã xem thuốc như một “thần dược” và cho trẻ sử dụng mỗi khi ốm mà quên đi những nguy hiểm có thể xảy ra như làm bệnh trầm trọng hơn, suy tuyến thượng thận, còi xương, chậm lớn, suy giảm chức năng gan/ thận và rối loạn nội tiết tố,…

Chúng ta thường có khuynh hướng cho trẻ dùng nhiều thuốc bổ với hy vọng “không bổ chiều ngang cũng bổ chiều dọc”. Thế nhưng, giống như bao loại thuốc khác, thuốc bổ chỉ thật sự bổ nếu được dùng đúng đối tượng với một liều lượng thích hợp. Thuốc bổ có thể làm giảm hiệu quả hay tăng độc tính của thuốc điều trị. Hơn nữa nếu dùng thuốc bổ quá nhiều, trẻ có thể bị ngộ độc với biểu hiện nhức đầu, nôn ói, co giật, mệt mỏi…

 

Sự thật không mất lòng

Người bệnh và gia đình cần được cung cấp toàn bộ thông tin về tình trạng sức khỏe. Tuy nhiên, yếu tố tinh thần đóng vai trò rất quan trọng trong việc quyết định hiệu quả điều trị. Như một nghệ thuật, bác sĩ cần cung cấp mọi thông tin cần thiết nhưng đồng thời phải hướng suy nghĩ của người bệnh theo hướng tích cực, giúp họ luôn lạc quan và tin tưởng vào khả năng hồi phục.

Quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân là một bài thuốc vô hình có thể khiến điều trị thành công hay thất bại. Vì vậy nếu không có lòng tin ở bác sĩ nào đó hãy đưa trẻ đến một bác sĩ khác mà mình nghĩ là chuyên nghiệp hơn và bé cảm thấy dễ chịu, ít sợ hãi quấy khóc khi thăm khám.

 

Trẻ em không phải người lớn thu nhỏ

Trẻ em có cân nặng và vóc dáng nhỏ hơn người lớn nhưng trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ. Không nên tự ý cho trẻ sử dụng thuốc của người lớn dù đã giảm liều thấp hơn. Một số thuốc thông thường điều trị ho, dị ứng, tiêu chảy cho người lớn có thể gây co giật, rối loạn nhịp tim, suy hô hấp, hôn mê, thậm chí tử vong khi dùng cho trẻ con.

 

Trẻ lớn lên từng ngày, bệnh mỗi ngày mỗi khác

Khi trẻ bệnh, dựa theo tình trạng sức khỏe của bé, bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị phù hợp và yêu cầu tái khám. Ở những lần tái khám, tùy theo mức độ đáp ứng điều trị mà thuốc sẽ được thay đổi.Vì vậy, ngay cả khi bệnh tình giảm rõ rệt ngay từ đơn thuốc đầu tiên cũng nên đưa bé đến bác sĩ để được kiểm tra lại thay vì dùng đơn thuốc này để mua thuốc tiếp tục. Mỗi bệnh có thời gian điều trị nhất định,do đó không nên tự ý ngưng thuốc đột ngột. Hãy cố gắng đưa trẻ đi tái khám đúng hẹn để hạn chế bệnh tái phát hay kháng thuốc.

Liều lượng thuốc dùng cho trẻ em được tính rất chính xác dựa trên cân nặng. Không nên xem một đơn thuốc cũ nào đó như một “ bí kíp võ công” mỗi lần bé bệnh đều mang ra sử dụng. Đôi khi nhiều bệnh có cùng triệu chứng giống nhau nhưng thuốc sử dụng lại khác nhau và thuốc được chỉ định trong bệnh lý này lại có thể là chống chỉ định trong bệnh lý khác có biểu hiện tương tự. Ví dụ, một loại thuốc ho có khả năng giảm ho rất hiệu quả khi trẻ bị viêm họng nhưng khi dùng để giảm ho trong trường hợp trẻ bị hen suyễn hay viêm phế quản có thể sẽ làm cho tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.

 

Người không ai giống ai

Mỗi người có tình trạng sức khỏe riêng nên cũng sẽ đáp ứng với điều trị khác nhau. Thuốc có tác dụng rất tốt cho người này đôi khi sẽ có hiệu quả rất thấp khi dùng cho người khác. Vì vậy, không nên cho người khác mượn đơn thuốc khi thấy con của họ có biểu hiện bệnh tương tự trẻ ở nhà. Bạn có thể đưa bé đến khám bác sĩ theo giới thiệu của một người quen nhưng tuyệt đối không nên cho bé dùng thuốc do họ giới thiệu nếu chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ.

 

Đau không trị cũng hết

Hầu hết những vấn đề sức khỏe thường gặp ở trẻ em đều do virus hay chế độ ăn uống gây nên. Trong những tình huống này thường không cần sử dụng kháng sinh hay thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh thường sẽ tự giới hạn sau một vài ngày nếu được chăm sóc đúng cách. Ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt, các bà mẹ hoàn toàn có thể trở thành “bác sĩ tại gia” điều trị cho trẻ ở nhà bằng cách lau mát, nhỏ mũi, dùng thuốc ho thảo dược, cho trẻ uống dung dịch oresol, cung cấp chế độ dinh dưỡng giàu năng lượng dễ nuốt và dễ tiêu hóa,…

 

Bệnh chữa tứ phương không khỏi

Bên cạnh những bệnh hiểm nghèo không thể hoặc rất khó điều trị như nhiễm trùng nặng, suy giảm miễn dịch, bệnh lý tim mạch, ung thư…cũng có những bệnh ít nguy hiểm hơn nhưng vẫn cần được phải điều trị tích cực và theo dõi lâu dài như rối loạn nội tiết, viêm nhiễm mạn tính, hội chứng thận hư,…

Có những bệnh thuộc về “cơ địa” như viêm mũi dị ứng,viêm da dị ứng, chàm, vẩy nến,… loại bệnh nầy hiếm khi gây nguy hiểm nhưng lại thường xuyên làm cho trẻ ngứa ngáy, khó chịu. Những bệnh này hay tái phát nên trẻ thường phải dùng thuốc kéo dài và đành phải chấp nhận cảnh “sống chung với lũ”.

 

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Để trẻ sinh ra có sức khỏe tốt, khi mang thai mẹ cần ăn uống, chích ngừa đầy đủ đồng thời khám thai định kỳ để phát hiện và điều chỉnh kịp thời những bất thường của mẹ và thai nhi trong suốt thai kỳ.

Trẻ cần được bú mẹ sớm ngay từ những giờ đầu sau sinh và duy trì ít nhất đến khi trẻ được 24 tháng.

Cho trẻ chích ngừa đầy đủ và ăn dặm đúng cách. Cần cung cấp cho trẻ chế độ ăn giàu dinh dưỡng với thành phần thức ăn đa dạng, tránh kiêng cữ quá mức.

Hạn chế sử dụng thuốc, chỉ cho trẻ dùng thuốc khi cần thiết sau khi đã tham khảo ý kiến bác sĩ.

Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa bảo đảm một môi trường sống thông thoáng và sạch sẽ. Hạn chế nuôi súc vật trong nhà. Tuyệt đối không hút thuốc lá trong nhà và khi ẵm bồng hay chơi đùa với trẻ.
ThS. BS Phạm Đình Nguyên
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"