Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 10:13, 25/7/2017
583 lượt đọc

Điều trị thành công trường hợp sốt xuất huyết nặng ở trẻ nhỏ

Khuya ngày 3/ 3/ 2007 bé T. D. A. P., 10 tháng tuổi, nhà ở quận 10, nhập viện bệnh viện Nhi Đồng 1 vì sốt cao. Mẹ bé cho biết bé bệnh đã 2 ngày, sốt cao liên tục không hạ sốt dù đã điều trị thuốc hạ nhiệt, ngoài ra còn có tình trạng ho, sổ mũi, nổi hồng ban giống mề đay rải rác toàn thân và thỉnh thoảng bé có ọc sữa, Mặc dù được điều trị bằng bằng kháng sinh, hạ nhiệt và nâng đỡ tổng trạng nhưng nhiệt độ cơ thể bé vẫn ở mức 39 – 40 0 C không thuyên giảm. Lâm sàng vẫn chưa loại trừ được bệnh sốt xuất huyết nên bé được cho thử máu kiểm tra theo dõi bệnh. Đến ngày thứ 5 của bệnh, xét nghiệm máu cho thấy có tình trạng giảm tiểu cầu đồng thời phát hiện bé có vài chấm xuất huyết mới mọc ở 2 cẳng chân,cháu được chẩn đoán bị bệnh sốt xuất huyết nên được truyền thêm dung dịch điện giải. Cũng trong thời gian này bé bắt đầu lừ đừ, kém linh hoạt có những cơn giật mình, sau đó lơ mơ, nặng hơn. Được làm thêm các xét nghiệm bệnh não, bệnh sốt xuất huyết và hội chẩn với chuyên khoa, các bác sĩ chẩn đoán bé bị bệnh sốt xuất huyết thể não, tiếp tục theo dõi sát và đổi sang truyền dung dịch cao phân tử. Đến ngày thứ 7 của bệnh, bé bớt quấy hơn, tỉnh táo, da vùng cẳng chân nổi ban phục hồi rõ dần. Bé xuất viện khi đã hoàn toàn khỏe mạnh, sau 10 ngày nằm viện.

 Bệnh sốt xuất huyết (SXH) là bệnh nhiễm siêu vi cấp tính trầm trọng do siêu vi Dengue gây ra. Bệnh truyền từ người bệnh sang người lành qua vết đốt của muỗi vằn. Đây là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em nước ta, xảy ra quanh năm và có thể gây dịch lớn ảnh hưởng nặng nề cho người dân và xã hội. Bệnh, đối tượng mắc bệnh thường gặp là trẻ em trên 1 tuổi. Thực tế một số trường hợp sốt xuất huyết nặng xảy ra ở nhóm tuổi nhỏ hơn 12 tháng. Bệnh cảnh SXH ở trẻ nhỏ hơn 12 tháng dễ gây nhầm lẫn với các bệnh khác và rất khó phát hiện sớm. Chúng tôi trao đổi với TS. BS. Nguyễn Thanh Hùng, Phó Giám Đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 về vấn đề này :

   SXH Dengue ở trẻ nhỏ có thường gặp tại bệnh viện Nhi Đồng 1 không? Bệnh có khác gì so với trẻ lớn không thưa BS?

   Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, mỗi năm chúng tôi tiếp nhận điều trị từ 100-300 trường hợp SXH ở trẻ dưới 12 tháng tuổi chiếm tỉ lệ từ 5 đến 8% bệnh nhân SXH nhập viện. Trường hợp nhỏ tuổi nhất được ghi nhận ở trẻ 1 tháng tuổi. Trẻ nhỏ ít bị SXH Dengue, nhưng khi bị thì nguy cơ nặng và tử vong cao hơn trẻ lớn. Nguyên nhân là do ở trẻ nhỏ bệnh biểu hiện không đặc hiệu, diễn tiến ở trẻ nhỏ lại dễ nặng hơn trẻ lớn, nên khó dự kiến việc xuất hiện sốc và khó dự liệu kết quả điều trị. Hơn nữa việc điều trị các trường hợp SXH nặng ở trẻ nhỏ không đơn giản như ở lứa tuổi lớn hơn.

   BS có thể cho biết làm sao nhận biết trẻ nhỏ bị SXH ?

   Qua nghiên cứu 245 trường hợp SXH trẻ nhỏ tại khoa Sốt xuất huyết - Bệnh viện Nhi Đồng 1 từ năm 1997-2002, chúng tôi nhận thấy ba dấu hiệu thường gặp nhất là sốt cao; có chấm xuất huyết dưới da thường gặp nhiều nhất ở hai chân; và dấu hiệu gan to. Ngoài những dấu hiệu vừa kể, trẻ nhỏ bị SXH còn có các dấu hiệu không đặc hiệu như ho, sổ mũi và tiêu chảy, khiến các bác sĩ và cha mẹ có thể bị nhầm với các bệnh khác như tiêu chảy cấp, nhiễm trùng đường hô hấp.

   Để phát hiện sớm bệnh SXH ở trẻ nhỏ, khi trẻ sốt cao từ 2 ngày trở đi, cha mẹ phải nghĩ đến bệnh SXH và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và hướng dẫn điều trị. Các bác sĩ điều trị theo dõi bệnh nhân và khi cần thiết sẽ cho thử máu để theo dõi diễn tiến bệnh. Cũng như ở trẻ lớn, khi thử máu trẻ nhũ nhi bị SXH sẽ phát hiện thêm tình trạng cô đặc máu, biểu hiện bởi sự gia tăng dung tích hồng cầu, và giảm số lượng tiểu cầu giúp ích cho việc chẩn đoán.

   Chăm sóc tại nhà trẻ nhỏ bị SXH như thế nào, thưa Bác sĩ?

   Cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol, lau mát bằng nước ấm để tránh biến chứng sốt cao co giật. Nên cho các cháu uống nhiều nước như nước cam, chanh, oresol, nước sôi để nguội, vẫn tiếp tục cho bú sữa, cho ăn cháo, bột.

   Không nên cạo gió, cắt lễ vì vừa làm đau, vừa có thể gây chảy máu và nhiễm trùng cho trẻ. Không tự ý cho trẻ uống thuốc Aspirine vì có thể gây chảy máu dạ dày rất nguy hiểm.

   Phải theo dõi sát các cháu, không được lơ là mất cảnh giác. Thời điểm nguy hiểm nhất lại là khi trẻ hết sốt, thường từ ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 6 của bệnh, trẻ có thể trở nặng vào sốc, dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không phát hiện kịp thời.

   Khi phát hiện dấu hiệu trở nặng: bao gồm trẻ ói mửa nhiều, bứt rứt, quấy khóc, bỏ bú, tay chân lạnh, tím, vã mồ hôi, ói ra máu, đi tiêu ra máu thân nhân phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được điều trị kịp thời.


Hải Thoa
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"