Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 13:15, 13/8/2019
1244 lượt đọc

Đại diện hợp pháp cho bệnh nhi

Đại diện hợp pháp cho bệnh nhi Trẻ chưa đủ 18 tuổi khi tham gia trong giao dịch khám bệnh, chữa bệnh tại các bệnh viện , thông thường, người đưa trẻ đi được xem như là đại diện cho bệnh nhi. Tuy nhiên, quý thân nhân cần lưu ý người đại diện như thế nào là hợp pháp khi thực hiện các thủ tục liên quan đến vần đề bệnh tật của trẻ để tránh các sai sót gây trở ngại trong việc xác nhận bệnh tật cho trẻ.

Theo Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, Điều 13, Khoản 1, người đại diện hợp pháp của người bệnh nhi quyết định việc khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ.

Theo Bộ Luật Dân sự năm 2015, Đại diện theo pháp luật của cá nhân bao gồm :

  • 1-Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.
  • 2-Người giám hộ đối với người được giám hộ.
  • 3-Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện.

Phân tích ba trường hợp trên, chúng ta thấy:

Trường hợp 1: Trẻ có cha, mẹ

Cha, mẹ là đại diện cho bệnh nhi trong giao dịch khám bệnh, chữa bệnh.

Trường hợp 2: a) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ;b) Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự: cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ (Điều 47 về Người được giám hộ).

Người giám hộ của trẻ là đại diện .

Và theo Điều 52 Bộ Luật Dân Sự qui định Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên

Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên:

(i)Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ.

(ii)Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản (i)nói trên thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ.

(iii).Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản (i)và khoản (ii)nói trên thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.

Trường hợp 3: không xác định được người đại diện.

Tòa án chỉ định người đại diện cho bệnh nhi.

Như vậy, Quý thân nhân bệnh nhi cần lưu ý , Đại diện hợp pháp cho bệnh nhi khi khám bệnh, chữa bệnh tại các bệnh viện bao gồm:

Một là, cha, mẹ.

Hai là, khi không có cha mẹ hoặc không xác định đựợc cha mẹ thì anh  hoặc chị làm đại diện.

Ba là, khi không có anh, chị  (hoặc anh chị không đủ điều kiện ), thì ông bà nội, ông bà ngoại làm đại diện.

Bốn là, khi không có ông bà nội, ngoại thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột làm người dại diện.

Năm là, khi không có các trường hợp trên thì Tòa án chỉ định người làm đại diện cho bệnh nhi.

Bs Lê Văn Trí – Khoa Nội Tổng quát 1
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"