Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 20:46, 14/11/2018
69 lượt đọc

Chẩn đoán qua điện thoại, bác sĩ cứu sống hai bé trai bị tay chân miệng nặng

Cả hai bé trai đều mắc bệnh tay chân miệng độ 4 với nhiều biến chứng về thần kinh, hô hấp, tim, huyết động mạch…, nguy cơ tử vong cao.

Chiều 14/11, PGS.TS.BS Phạm Văn Quang - Trưởng khoa Hồi sức tích cực & Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 - TP.HCM, cho biết vừa cứu sống bé trai Đ.T.C. (2 tuổi, ở Cà Mau) mắc bệnh tay chân miệng nặng

Trước đó, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Cà Mau gọi điện thoại lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 nhờ hỗ trợ điều trị cho bé C. Bệnh viện Sản Nhi quay video clip bệnh nhi, chụp lại bệnh án và gửi cho bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 để hội chẩn trực tuyến.

PGS.TS.BS Phạm Văn Quang kiểm tra bệnh cho bé C.

Qua tư liệu nhận được, bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 nhận thấy bệnh nhi bị tay chân miệng quá nặng, kèm nhiều biến chứng về thần kinh, hô hấp, tim, mạch không ổn định.

Ngay lập tức, các bác sĩ yêu cầu chuyển ngay bé C. lên Sài Gòn. Ngay trong đêm, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Cà Mau tức tốc chuyển viện để cứu sống bệnh nhi.

3g15 sáng 6/11, bé C. được chuyển tới Bệnh viện Nhi Đồng 1 với tiên lượng rất xấu, bé sốt cao, lơ mơ, co giật, mạch và huyết áp không ổn định.

Bác sĩ hai bệnh viện liên tục trao đổi, hướng dẫn cấp cứu suốt trên đường chuyển viện. Vừa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1, bé C. lập tức được đặt nội khí quản, truyền thuốc đặc trị, lọc máu liên tục 6 giờ đồng hồ và qua cơn nguy kịch.

Tiếp tục được lọc máu hơn một ngày sau đó, sức khỏe bé C. ổn định, không còn thở máy và tiếp xúc được với người xung quanh. Tuy nhiên, bệnh tay chân miệng nặng khiến bé bị rối loạn phản xạ nuốt phải tập vật lý trị liệu.

Tương tự, sáng 10/11, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ liên lạc với bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 1 nhờ hỗ trợ cấp cứu cho bé N.T.T., 2 tuổi nguy kịch vì biến chứng bệnh tay chân miệng. Qua video clip và hình ảnh của bé, bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 phát hiện bệnh nhi nổi hồng ban, co giật, biến chứng lên thần kinh, huyết động mạch và không đáp ứng với thuốc điều trị, phải chuyển viện ngay.

Tuy qua nguy kịch nhưng bé T. cần được đánh giá những di chứng của bệnh tay chân miệng trong thời gian tới

Trên xe cấp cứu trên đường lên Sài Gòn, cứ 30 phút bác sĩ gọi điện thoại cho Bệnh viện Nhi Đồng 1 nhằm thông báo tình trạng bệnh nhi để có phương án tốt nhất khi bé được chuyển đến nơi.

Bé T. được đưa thẳng đến khoa Hồi sức tích cực & Chống độc để cấp cứu, thở máy, lọc máu. May mắn, sau 2 ngày điều trị, bé T. ổn định, đang tập cai máy thở. Tuy bé tỉnh nhưng bác sĩ chưa thể đánh giá được di chứng vì có thể thần kinh bé bị ảnh hưởng.

PGS.TS.BS Phạm Văn Quang cho biết, số trẻ mắc tay chân miệng có dấu hiệu giảm nhưng số ca nặng vẫn còn cao. Vì vậy, cha mẹ không nên chủ quan với dịch bệnh tay chân miệng.


Nguồn tin: https://www.phunuonline.com.vn/suc-khoe/chan-doan-qua-dien-thoai-bac-si-cuu-song-hai-be-trai-bi-tay-chan-mieng-nang-145082/
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"