Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 9:39, 20/6/2018
111 lượt đọc

Chăm sóc tâm lý cho trẻ bị phỏng

Đối với trẻ bị phỏng dù vết phỏng đã lành thành sẹo nhưng vẫn cần tiếp tục được điều trị. Khi cậu bé bị cụt tay do hậu quả nặng nề từ tai nạn phỏng điện thơ ngây hỏi khi nào bé sẽ mọc lại tay mới, đó là lúc mà cuộc sống mới sẽ bắt đầu với vấn đề về chất lượng cuộc sống, vấn đề phục hồi về tâm lý, xã hội. Điều nầy sẽ quá lớn lao hơn cả sự phục hồi về chức năng vận động và thể chất.

Trẻ bị phỏng cần có nụ cười

Ở nước ta hiện còn chưa quan tâm và chưa hình thành chiến lược hỗ trợ nạn nhân phỏng sau khi họ được lành nhưng sống còn với hình dáng bên ngoài bị thay đổi. Tâm lý cũng bị thương tổn phỏng này làm rối loạn trầm trọng, nhất là ở tuổi vị thành niên. Một số Trung tâm Phỏng của Mỹ và Canada, song song với việc điều trị vết thương do phỏng đã thực hiện chương trình “Huấn luyện kỹ năng cư xử và cải thiện diện mạo” cho trẻ bị phỏng, giúp họ biết cách đối phó với những tình huống khó khăn tại cộng đồng cũng như biết cách vượt qua nỗi đau khổ và khủng hoảng tâm lý của bản thân sau tai nạn để hòa nhập cộng đồng và xác định sao cho có thể sống một cuộc sống tự lập có ý nghĩa.

Các bệnh nhi bị phỏng được huấn luyện để có các phản ứng đúng đắn khi có người nhìn mình chằm chằm, ví dụ như họ sẽ đứng thẳng người, nhìn thẳng vào mắt người đối diện, nụ cười trên môi, bằng giọng nói thân thiện ấm áp nói những câu có thể giúp hình thành không khí thân thiện như: Xin chào, bà có khỏe không; Xin chào, hôm nay trời đẹp quá phải không bạn,… Để đương đầu với những câu hỏi tò mò kiểu như “Bạn bị sao vậy?”, “Chắc bạn bị tai nạn khủng khiếp lắm hả?” thì câu trả lời tốt nhất mà rất nhẹ nhàng là “Tôi bị tai nạn khi đang làm việc”, “Cảm ơn bà đã quan tâm”.

Sau khi được điều trị lành vết phỏng, trẻ cần được phảu thuật tạo hình để ghép da, sửa chữa co rút nhằm giảm bớt biến dạng, thâm chí dùng mỹ phẩm để da được tự nhiên hơn.

Sống sót sau tai nạn phỏng là biết bao công sức của gia đình, của y tế, của xã hội. Nhưng những chứng tích của phỏng, những mảng sẹo, da ghép không bao giờ mất đi là nguy cơ bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng phá vỡ cuộc sống của trẻ khi tiếp xúc với những chấn kích, làm cho trẻ có những hành vi không phù hợp với xung quanh, rồi lại bị phản ứng ngược, tạo ra vòng xoáy rối loạn trong sinh hoạt hàng ngày. Khi tương lai của trẻ còn dài, chúng ta đừng chờ đợi mà phải chuẩn bị hành trang cho trẻ trước khi rời bệnh viện để trẻ sẵn sàng vượt lên chính mình. Quan trọng hơn, mọi người trong xã hội thấu hiểu và chia sẻ đồng hành cùng trẻ, không phân biệt trong hành xử và cũng đừng lúc nào cũng biểu hiện thương hại.
BS Lê Minh Thượng
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"