Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 11:19, 25/3/2019
1271 lượt đọc

Cần tầm soát tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh hay không?

Ngày nay với sự phát triển khoa học và chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ, các dị tật bẩm sinh có thể được tầm soát sớm ngay trong bào thai và sau sanh. Đối với bệnh tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh cần phải được tầm soát sớm sau sanh vì phần lớn những tật tim bẩm sinh có triệu chứng trong thời kỳ sơ sinh thường điều trị khó khăn. Mỗi năm ở Việt Nam có 3.000 trẻ sơ sinh chào đời mắc bệnh tim bẩm sinh nặng, trong đó có khoảng 20% tỉ lệ trẻ sơ sinh xuất viện bị bỏ sót không phát hiện được tim bẩm sinh. Do đó cần thiết siêu âm tim tầm soát trong giai đoạn bào thai từ tuần thứ 14 hoặc sớm ngay sau sanh. Siêu âm là một phương pháp chẩn đoán hữu ích và không gây ảnh hưởng hay tác dụng phụ gì lên bào thai và trẻ sơ sinh.

Phân loại tim bẩm sinh  nặng ở trẻ sơ sinh được dựa trên yếu tố có hay không phụ thuộc vào ống động mạch. Phụ  thuộc ống động mạch là nếu như không có ống động mạch là không có máu trong hệ thống tuần hoàn.

Bệnh Tim bẩm sinh của hệ tuần hoàn hệ thống ( gồm mạch máu giàu oxy có nhiệm vụ nuôi cơ quan trong cơ thể như gan, thận, dạ dày, lách, ruột, tay chân…) lệ thuộc ống động mạch  gồm các bệnh: hẹp van động mạch chủ nặng, hẹp eo động mạch chủ, đứt đoạn cung động mạch chủ, thiểu sản tim trái.

Hình A: còn ống động mạch lớn  Hình B: ống động mạch bị teo

Tim bẩm sinh hẹp eo động mạch chủ

Bệnh Tim bẩm sinh của hệ tuần hoàn phổi (gồm các mạch máu đổ vào phổi để nhận oxy từ phổi) lệ thuộc ống động mạch gồm các bệnh: không lỗ van 3 lá, không lỗ van động mạch phổi, hẹp van động mạch phổi, tứ chứng Fallot, hoán vị đại động mạch.

 

Biểu hiện của Bệnh tim bẩm sinh nặng ở trẻ sơ sinh gồm các triệu chứng sốc, tím tái, thở nhanh. Cách đơn giản nhất để phát hiện tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh là bắt mạch tay, chân và đo độ bão hòa oxy máu ở tay, chân. Khi mạch tay hoặc chân yếu hơn hoặc sự chênh lệch độ bão hòa oxy máu ở tay, chân chênh nhau  ≥ 3% là dấu hiệu gợi ý Bệnh Tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh.

Phát hiện sớm và điều trị kịp thời các trường hợp bệnh tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh là sự phối hợp giữa vấn đề siêu âm chẩn đoán tiền sản và siêu âm sau sanh; sự phối hợp giữa sản phụ, gia đình và đội ngũ y bác sĩ. Do đó, sản phụ cần theo dõi và khám thai định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn đầy đủ. Nếu siêu âm tiền sản phát hiện tim bẩm sinh, thai phụ nên chuyển dạ sanh tại các bệnh bệnh viện sản thuộc tuyến trên có đầy đủ dụng cụ hồi sức sau sanh và cần siêu âm tim đánh giá lại ngay sau sanh.

Ths.BS Phan Hoàng Yến
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"