Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 10:14, 24/7/2018
7722 lượt đọc

Bàn chân xoay trong do xương cẳng chân xoay vào trong

Bàn chân xoay trong thường được nhận biết đầu tiên từ cha mẹ, khi trẻ bắt đầu biết đi. Các bậc cha mẹ thường nhìn thấy hai bàn chân của trẻ bị xoay vào trong, có nghĩa là các ngón chân bị xoay theo hướng đi vào phía trong giữa hai bàn chân thay vì phải ở vị trí thẳng, hướng về phía trước như bình thường. Vấn đề xoay trong của bàn chân thường xảy ra hai bên. Nếu xảy ra một bên, thường thấy ở bên trái. Trong phạm vi bài này, chúng tôi đề cập đến bàn chân xoay trong ở trẻ khỏe mạnh, không bị ảnh hưởng bởi các dị tật bẩm sinh hoặc bệnh lý khác gây ra.

 

Bàn chân xoay trong ở trẻ bình thường không gây đau, không gây ra dáng đi vụng về. Đôi khi có chút ít khó khăn khi chạy, trẻ có thể bị vấp ngã do ngón chân cái bị xoay vào trong làm vướng víu gót chân của bàn chân kia. Vần đề thường gặp này là do xương cẳng chân của trẻ bị xoay vào trong làm cho toàn bộ bàn chân cũng xoay trong theo. Đối với bàn chân xoay trong do xương cẳng chân, khi quan sát kỹ thì thấy bàn chân của trẻ vẫn thẳng trục, không bị các biến dạng khác của bàn chân đi kèm như biến dạng áp của phần trước bàn chân (xem hình minh họa).

Sự xoay trong của xương cẳng chân là một tình trạng phổ biến, thường gặp trong suốt thời kỳ thơ ấu của trẻ. Sở dĩ xương cẳng chân bị xoay vào trong là do trong giai đoạn còn nằm trong bụng mẹ, khoảng tuần lễ thứ 7 của thai kỳ, có sự xoay vào trong của hai chân của thai nhi. Sự xoay trong này làm cho ngón chân cái của hai bàn chân đi vào trong, hướng về đường giữa cơ thể. Đó là lý do có trình trạng bàn chân xoay trong do xương cẳng chân xoay vào trong khi trẻ được sinh ra.

 

             

 

Bàn chân trái xoay trong

do cẳng chân bị xoay trong

Nguồn: Lynn T. Staheli (2008)

 

Sự xoay trong của hai chân

ở thai nhi lúc 7 tuần thai kỳ

Nguồn: Lynn T. Staheli (2008)

 

Sau khi sanh, theo quá trình tăng trưởng, hai chân của trẻ sẽ từ từ xoay theo chiều ngược lại so với giai đoạn còn nằm trong bụng mẹ, tức là hai chân sẽ xoay theo hướng đi ra ngoài để đưa hai bàn chân dần dần mở ra ngoài trong suốt quá trình lớn lên của trẻ.

Như vậy, cùng với sự tăng trưởng, xương cẳng chân sẽ dần dần xoay ra ngoài kể từ lúc sau khi sanh cho đến đến tuổi trưởng thành và tình trạng bàn chân xoay trong sẽ tự động cải thiện trong suốt quá trình phát triển của trẻ.

 Cha mẹ nên làm gì nếu con bạn bị bàn chân xoay trong?

Tốt nhất là đem trẻ đến gặp bác sĩ chỉnh hình hoặc các chuyên viên Vật lý trị liệu để được lượng giá chính xác tình trạng xoay trong của bàn chân là do bệnh lý hoặc đơn thuần chỉ là sự xoay trong của xương cẳng chân gây ra. 

Nếu bàn chân xoay trong do cẳng chân bị xoay vào trong, cha mẹ sẽ được giải thích rõ ràng và thấu đáo về nguyên nhân như đã trình bày, sự tiếp tục phát triển bình thường ở hai chân của trẻ em trong suốt thời kỳ thơ ấu để tự điều chỉnh các vấn đề này. Trẻ cần được tái khám định kỳ để theo dõi sự chỉnh sửa tự nhiên của cơ thể. Bàn chân xoay trong  sẽ tự khỏi trong hầu hết các trường hợp. Do đó, biện phát tốt nhất và đơn giản là nên chờ đợi sự chỉnh sửa tự nhiên của cơ thể.

Nếu bàn chân xoay trong do các bệnh lý khác thì trẻ sẽ được điều trị kịp thời sau khi đã chẩn đoán chính xác.

Tài liệu tham khảo

  1. Lynn. T. Staheli, M.D. “Fundamentals of Pediatric Orthopedics”, fourth edition, 2008; pp.144-149, 289.
  2. www.shrinershospitalsforchildren.org/en/hospitals/Chicago/Orthopaedics/In-toeing...
  3. www.umm.edu/orthopaedic/toe.htm
  4. www.childrensorthopaedics.com/intoeing.html
CN.VLTL Trần Thị Minh Thư
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"