Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 9:32, 27/6/2019
4798 lượt đọc

Các vấn đề về răng trẻ em

Chăm sóc răng miệng cho trẻ nhỏ đòi hỏi sự theo dõi và quan tâm của cha mẹ. Nếu không được vệ sinh sạch sẽ, sẽ gây ra các bệnh về răng miệng cho trẻ. Sau đây TS. BSCK2 Nguyễn Văn Đẩu - Trưởng khoa Răng Hàm Mặt Bệnh viện Nhi Đồng 1 chia sẻ đôi điều về răng trẻ em.

1. Về tuổi mọc răng sữa của bé, trung bình:

            - Từ 6 – 7 tháng tuổi: mọc 4 răng cửa dưới

            - Từ 8 - 9 tháng tuổi: mọc 4 răng cửa trên

    Nếu bé 10 tháng mà chưa mọc chiếc răng sữa nào là mọc răng trễ, cần cho bé đến khám tại bệnh viện có chuyên khoa Răng Hàm Mặt Nhi để được tư vấn.

2. Tuổi mọc răng vĩnh viễn của bé thông thường là:

            - Từ 6 đến 8 tuổi: mọc 4 răng cửa dưới

            - Từ từ 7 đến 9 tuổi: mọc 4 răng cửa trên

    Nếu bé 10 tuổi mà chưa mọc đủ các răng cửa vĩnh viễn là bị chậm mọc. Cho bé đến khám tại chuyên khoa Răng Hàm Mặt, chụp phim răng để khảo sát tình trạng mầm răng trong xương hàm.

3. Ở độ tuổi từ 8 tuổi trở lên, các răng sữa nếu chưa rụng thường có sâu ở mặt bên kẻ răng tạo nên những khoãng mất mô răng, sậm màu. Không cần phải điều trị do các răng này vì đều đã đến tuổi thay rồi.

4. Việc bé mọc các răng hàm trước khi mọc răng cửa và lại mọc lúc mới 4 tháng tuổi là chuyện lạ. Có thể là do bệnh teo xương hàm bẩm sinh làm các mầm răng sớm bị lộ ra, đặc biệt là các mầm răng có kích thước lớn như răng hàm. Cần được bác sỹ RHM khám sớm để chẩn đoán.

5. Hiện tượng bé bị “tước” khi mọc răng, nhất là mọc những chiếc răng đầu tiên là hay thường gặp, bé đi tiêu chảy nhiều lần, phân lợn cợn, có màu xanh, sốt nhẹ,… được xem là một phản ứng của cơ thể với việc nướu răng bị nứt ra tạo nên vết thương, đồng thời có sự đột nhập của vi khuẩn thường trú trong miệng vào ổ mọc răng. Cần cho bé đến khám tại bác sĩ Răng Hàm Mặt hoặc bác sĩ nội khoa.

6. Bé bị sưng tất cả nướu chân răng và có vết loét lớn trong miệng, đây là tình trạng viêm nướu răng cấp tính và viêm loét miệng cấp tính. Thường bé sẽ có sốt cao đi kèm, đau miệng nhiều, chảy nước miếng. Nên cho bé đến khám tại chuyên khoa Răng Hàm Mặt để được tư vấn.

7. Trong một số trường hợp, bé sẽ không hợp tác với bác sĩ để thực hiện các thủ thuật nhổ răng, tùy thuộc từng trường hợp cụ thể: số răng hư cần điều trị, tuổi của bé, tình trạng sức khỏe toàn thân của bé, mức độ phản ứng của trẻ…, mà biện pháp điều trị răng dưới gây mê sẽ được lựa chọn. Cần cho bé đến khám tại bệnh viện có Khoa Răng Hàm Mặt để được tư vấn.

8.Thông thường, các răng cửa vĩnh viễn mới mọc thường có màu vàng hơn các răng sữa. Nếu răng có viền trắng đục, bề mặt răng có nhiều rãnh, … có thể do dư Fluor hoặc do dùng nhiều kháng sinh trong giai đoạn mầm răng. Về điều trị, có thể mài bỏ những vùng mất chất này và sử dụng Composite trám tu sửa lại bề mặt răng.

TS. BSCK2 Nguyễn Văn Đẩu - Trưởng khoa Răng Hàm Mặt

TS. BSCK2 Nguyễn Văn Đẩu
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"