Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 9:49, 21/8/2018
10393 lượt đọc

U máu trẻ em

Tổng quan U máu là loại u lành tính được cấu tạo bởi nhiều mạch máu phát triển quá mức hợp lại tạo thành, thường xuất hiện dưới dạng một nốt sáng-đỏ có bề mặt giống quả dâu tây. Loại u này có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trong cơ thể, nhưng thường gặp nhất là các u máu vùng mặt, da đầu, ngực và lưng.

U máu màu sáng-đỏ, có bề mặt như quả dâu tây

Diễn tiến của một u máu điển hình có thể dự đoán được một cách tương đối, hầu hết chúng xuất hiện trong những tuần đầu sau sinh và phát triển trong suốt năm đầu của cuộc sống. Quá trình này bao gồm giai đoạn phát triển nhanh trong 2-3 tháng đầu đời, một số trường hợp hiếm hơn phát triển vượt quá 6 tháng tuổi; trong khoảng 6-18 tháng tuổi, hầu hết u máu sẽ dần cải thiện, còn được gọi là giai đoạn thoái triển, lúc này các u máu sẽ giảm đỏ, dần chuyển sang màu xám, mềm hơn và phẳng hơn.

            Sự cải thiện của u máu diễn ra trong nhiều năm, khoảng một nửa u máu sẽ cải thiện tốt lúc trẻ được 5 tuổi, số còn lại sẽ tiếp tục tăng sinh và phát triển tiếp tục. Mặt khác, hầu hết u máu sẽ cải thiện rõ rệt khi trẻ được 10 tuổi. Cần lưu ý dù màu sắc của u máu có biến mất hay nhạt đi sau khi thoái triển nhưng sự dãn da và sẹo vẫn có thể tồn tại vĩnh viễn.

            Mặt khác rất khó để dự đoán được từng trường hợp sẽ tiến triển ra sao, nhưng cần nhớ rằng hầu hết các u máu không cần điều trị và có thể tự thoái triển theo thời gian.

            Chẩn đoán một u máu ở trẻ em thường chỉ cần hỏi bệnh sử và thăm khám là đủ.

 

U máu của con tôi có cần điều trị không?

            Những trẻ có u máu cần được theo dõi định kì bởi bác sĩ chuyên khoa. Quyết định có điều trị hay không phụ thuộc vào tuổi bệnh nhân, kích thước, vị trí, tốc độ phát triển và mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống của u máu. Có 3 chỉ định điều trị chính yếu, bao gồm:

            - U máu gây ảnh hưởng chức năng, bao gồm: hạn chế tầm nhìn, cản trở đường thở hay làm giảm thính lực,...

            - U máu có biến chứng: loét, chảy máu, nhiễm trùng.

            - Khi u máu có khả năng gây ra dãn da hay để lại sẹo, đặc biệt ở những vị trí thẩm mĩ như mặt, ngực là những u máu có thể gây ra vấn đề và xã hội và tâm lí cho trẻ.

U máu quanh mắt gây hạn chế tầm nhìn

Điều trị u máu như thế nào?

            Cần nhắc lại rằng, phần lớn u máu không cần bất kì một can thiệp nào.

            Việc điều trị u máu có các lựa chọn sau:

            - Điều trị tại chỗ:

            + Thuốc chẹn bê-ta thoa ngoài da: điển hình là Timolol, thuốc có thể ngăn cản sự phát triển và thỉnh thoảng làm giảm kích thước hay màu sắc của các u máu nằm trên bề mặt da.

            + Thuốc thoa chứa Steroid: loại này có thể ngăn chặn sự phát triển của các u máu nhỏ, phẳng trên mặt da; tuy nhiên chúng ít được dùng như Timolol vì có nhiều tác dụng phụ hơn.

            + Tiêm Steroid: thuốc có thể tiêm trực tiếp vào u để làm chậm lại sự phát triển, thuốc có tác dụng tốt nhất đối với các u máu nhỏ và khu trú.

            - Điều trị toàn thân:

            + Propranolol: là một thuốc dùng đường uống, chủ yếu được dùng để điều trị các trường hợp u máu có biến chứng. Thuốc đã được dùng nhiều năm trong việc điều trị tăng huyết áp. Khi dùng thuốc này cần hết sức lưu ý vì nó có thể gây hạ đường huyết nếu trẻ không được ăn đủ cử, ngoài ra thuốc còn gây hạ huyết áp và chậm nhịp tim. Do đó, việc dùng thuốc cần có sự theo dõi chặt chẽ từ phía bác sĩ.

            + Steroid đường uống: hiện ít được dùng vì có nhiều tác dụng phụ toàn thân.

            - Các phương thức điều trị khác:

            + Điều trị bằng laser: laser có thể hữu ích đối với các u máu chảy máu hay giúp làm lành các u máu loét. Phương thức này cũng có thể giúp xóa bỏ những di chứng về màu sắc và hình dạng sau khi u máu thoái triển.

            + Điều trị phẫu thuật: thường áp dụng cho các trường hợp u máu nhỏ loét hoặc nằm ở vị trí mà khi phát triển sẽ gây ảnh hưởng chức năng hay thẩm mĩ. Phẫu thuật cũng có thể dùng để sửa chữa các di chứng về mặt thẩm mĩ như dãn da hay sẹo xấu. Cần nhận thức rằng, phẫu thuật luôn luôn để lại sẹo (và bởi hầu hết các u máu sẽ cải thiện theo thời gian), việc phẫu thuật sớm chỉ nên được cân nhắc cho một tỉ lệ nhỏ các trường hợp.

BS Đoàn Bảo Duy - Khoa Phỏng – Tạo hình
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"