Từ ngày 17 tháng 11 năm 2023 Bệnh Viện Nhi Đồng 1 áp dụng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế "
Cập nhật: 8:43, 24/3/2023
856 lượt đọc

Bệnh lý võng mạc mắt ở trẻ sinh non (ROP)

Tổ chức Y tế thế giới đã nhận định ROP là nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực ở trẻ em các nước đang phát triển. ROP trở thành một mối quan tâm, được coi là đại dịch thứ ba xảy ra ở các nước đang phát triển.
  1. ROP là gì ?

Bệnh lý võng mạc trẻ sanh non (Retinopathy of Prematurity- ROP) là bệnh lý tăng sinh mạch máu võng mạc ở trẻ sanh non, một trong những bệnh lý thường gặp ở trẻ non tháng. Bệnh có thể dẫn đến giảm thị lực và mù lòa nếu không được điều trị thích hợp và kịp thời.

Trẻ bị bong võng mạc do ROP

(Nguồn: https://aravind.org/diseases/retinopathy-of-prematurity)

  1. ROP có thật sự đáng quan tâm ?

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2010 thế giới có 13 triệu trẻ sinh non sống; trong đó có khoảng 184.700 trẻ bị ROP. Trung bình,cứ mỗi 10 trẻ sinh non thì sẽ có 1 trẻ mắc ROP; trong đó có 20.000 trẻ bị mù loà hoặc thị lực bị ảnh hưởng do ROP. Ở hầu hết trẻ mắc bệnh, ROP sẽ dần thay đổi và giảm bệnh dần một cách tự nhiên. Tuy nhiên, một số trẻ bị ROP có thể dẫn đến xuất huyết, sẹo võng mạc, bong võng mạc và mất thị lực. Ngoài ra trẻ còn tăng nguy cơ mắc một số bất thường khác về mắt như cận thị, lé, và/hoặc bong võng mạc trong tương lai.

Tổ chức Y tế thế giới đã nhận định ROP là nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực ở trẻ em các nước đang phát triển. ROP trở thành một mối quan tâm, được coi là đại dịch thứ ba xảy ra ở các nước đang phát triển. Ở Thái Lan và Philippin, ROP không được báo cáo ở vùng nông thôn nhưng gây ra khoảng 15% trường hợp mất thị lực ở các thành phố lớn là nơi có các cơ sở y tế tốt hơn. Người ta dự đoán rằng tỷ lệ sống sót của trẻ sinh non ngày càng tăng ở các nước đang phát triển thì tổng số trẻ em mắc ROP sẽ càng ngày tăng lên.

ROP đang trở thành một vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn ở các nước như Ấn Độ, Trung Quốc.Tại Mỹ, mỗi năm có khoảng 14.000 trẻ sinh non bị ROP (khoảng 10% trẻ sinh non) cần điều trị vớigần 400-600 trẻ nhũ nhi mù lòa do ROP.

  1. Nếu không khám ROP trẻ sinh non sẽ có những nguy cơ gì?

    Cận thị

    Cận thị là tật khúc xạ phổ biến nhất có liên quan đến ROP. Bản thân sinh non cũng là một yếu tố rủi ro cho sự phát triển cận thị. Thêm vào đó, mức độ nghiêm trọng của bệnh lý ROP và tổn thương cấu trúc góp phần vào sự phát triển cận thị ở bệnh nhân ROP.

     

    Các nghiên cứu cho thấy có tỷ lệ 90,7 % trường hợp được chẩn đoán cận thị mặc dù ROP đã thoái triển. Đã có báo cáo tỉ lệ mắc bệnh cận thị khoảng 9% bệnh nhân được điều trị với Bevacizumab được so sánh với 42% ở nhóm laser. Khúc xạ ở những bệnh nhân được điều trị với tiêm thuốc tương đối có lợi hơn khi so sánh với các bệnh nhân được điều trị laser, nguyên do là võng mạc chu biên được bảo tồn tốt giúp cho quá trình hợp thị.

    Mù loà, bong võng mạc do ROP

    Mù lòa do ROP ở Ấn Độ đang gia tăng do số trường hợp sinh non cao nhất trên thế giới (3.519.100 trẻ ). Một số lượng lớn trẻ vẫn đến muộn với tình trạng mù 2 mắt, không thể hồi phục do không được khám sàng lọc hay sàng lọc muộn. Trong một nghiên cứu tại Ấn Độ, 86,4% trẻ sơ sinh mắc ROP bong võng mạc toàn bộ chưa được khám sàng lọc.

    Các biến chứng khác ảnh hưởng lên thị lực của trẻ

    Ngoài những ảnh hưởng nặng nề trên, trẻ mắc ROP còn có nguy cơ bị các biến chứng khác như lé, nhược thị, đục thuỷ tinh thể…

  2. Các tổn thương võng mạc trên bệnh nhân ROP sau điều trị

    Khoảng 10% trẻ nhũ nhi mắc ROP sẽ cần điều trị. Không phải tất cả trẻ đều đáp ứng với điều trị, và nếu ROP tiếp tục trở nên nặng hơn nó có thể gây các biến chứng như

    • - Sẹo võng mạc
    • - Nếp gấp võng mạc
    • - Bong võng mạc: các vết rách võng mạc hoặc bong võng mạc có thể tăng lên từ những vùng đã được điều trị laser hoặc điều trị áp lạnh trước đó. Võng mạc sau các phương pháp điều trị nói trên trở nên mỏng hơn ở vùng chu biên mang tính phá huỷ trước đó. Với sự co kéo mạn tính do sẹo võng mạc khi buộc phải điều trị bằng những phương pháp này, những hố võng mạc có thể dẫn đến bong võng mạc muộn hơn ở những năm sau này.
    • - Chảy máu trong mắt (Xuất huyết dịch kính)
    • - Đục thuỷ tinh thể
    • - Mù loà


  3. Điều quan trọng để ngăn ngừa tác hại do ROP

ROP là nguyên nhân gây mù lòa ở trẻ em có thể ngăn ngừa được. Nếu trẻ được sàng lọc thích hợp và điều trị đúng thời điểm thì kết quả thành công rất cao.


Tham khảo

  1. https://www.childrenshospital.org/conditions/retinopathy-prematurity-rop
  2. Good WV, Carden SM. Retinopathy of prematurity. Br J Ophthalmol. 2006 Mar;90(3):254-5. doi: 10.1136/bjo.2005.081166. PMID: 16488935; PMCID: PMC1856945.
  3. Dogra, Mangat Ram; Katoch, Deeksha. Retinopathy of Prematurity: An emerging and evolving challenge. Indian Journal of Ophthalmology; September 2017 - Volume 65 - Issue 9 – p.782-784; doi: 10.4103/ijo.
  4. Wheatley CM, Dickinson JL, Mackey DA, Craig JE, Sale MM. Retinopathy of prematurity: recent advances in our understanding. Br J Ophthalmol. 2002 Jun;86(6):696-700.doi: 10.1136/bjo.86.6.696. PMID: 12034695; PMCID: PMC1771164.
  5. Wu, WC., Kuo, J.Z. (2017). Complications of Retinopathy of Prematurity Treatment. In: Kychenthal B., A., Dorta S., P. (eds) Retinopathy of Prematurity. Springer, Cham. doi.org/10.1007/978-3-319-52190-9_11
  6.  Smith BT, Tasman WS. Retinopathy of prematurity: late complications in the baby boomer generation (1946-1964). Trans Am Ophthalmol Soc. 2005;103:225-34; discussion 234-6.
Khoa Mắt - BV Nhi Đồng 1
LIÊN HỆ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 39271119
bvnhidong@nhidong.org.vn
Website:http://nhidong.org.vn

"Mục tiêu của Bệnh viện là đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em trong môi trường an toàn và thân thiện, với chất lượng chăm sóc cao và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động có trình độ chuyên môn tương xứng với một bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu ngành của khu vực phía Nam"